Hộ bà Nguyễn Thị Rê, ấp Thạnh An có cuộc sống ổn định hơn nhờ mô hình nuôi bò sinh sản.
Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, được UBND xã quan tâm thực hiện, đã huy động được nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án tín dụng khác nhau, trong đó có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay ưu đãi thông qua các hội đoàn thể ở xã như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Từ chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng, đã góp phần cho công tác giảm nghèo của xã Bình Thạnh có bước khởi sắc, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn để cải thiện kinh tế gia đình và mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.
Cùng với đó, các chế độ, chính sách trong giảm nghèo cũng được xã giải quyết kịp thời, góp phần tạo động lực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, qua đó tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được kéo giảm hàng năm. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là 288 hộ, chiếm tỷ lệ 12,03%, qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, xã Bình Thạnh chỉ còn 74 hộ, chiếm tỷ lệ 3,13%. Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã đã giảm đáng kể (giảm 8,9%), đây là kết quả đáng phấn khởi trong công tác giảm nghèo mà địa phương đã nỗ lực phấn đấu thực hiện trong thời gian qua.
Xác định phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo là do không có đất sản xuất, thiếu vốn, không có phương tiện lao động… nên phải làm thuê, làm mướn theo thời vụ, thu nhập không ổn định. Từ đó, xã Bình Thạnh đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể người phụ trách, tập trung triển khai thực hiện; nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho các chiều thiếu hụt cũng được xã lồng ghép thực hiện đạt hiệu quả; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, tạo sự kết nối giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa người dân dễ dàng, tránh trường hợp thương lái ép giá. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần tạo động lực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã vươn lên trong cuộc sống.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Để giúp nâng cao thu nhập, xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác phát triển sản xuất, gắn với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mạnh dạn tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kết hợp với trồng xen, nuôi xen, đa dạng hóa các ngành nghề trong nông nghiệp.
Cụ thể, năm 2022 hỗ trợ 140 triệu đồng, cho 8 hộ để xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản; năm 2023, xây dựng kế hoạch hỗ trợ 494 triệu đồng, cho 19 hộ để thực hiện mô hình nuôi bò, nuôi dê và nuôi gà thả vườn. Song song đó, địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan, mở những lớp đào tạo nghề cho người dân; tạo điều kiện đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhờ đó nhiều hộ đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định.
Bà Nguyễn Thị Rê, ấp Thạnh An, cũng là hộ nghèo trong xã, nhờ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình đã mua được 3 con bò cái sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, hiện nay đàn bò phát triển rất khỏe mạnh. Bà Rê chia sẻ, nhờ được chính quyền xã giúp đỡ, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ mà gia đình bà đã có cuộc sống đỡ hơn trước rất nhiều.
Nhờ thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, không những hộ nghèo được kéo giảm mà thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã cũng được nâng lên qua từng năm. Qua đánh giá năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Thạnh đạt 62 triệu đồng/người/năm. Qua đó góp phần giúp xã Bình Thạnh thực hiện đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 11 về tộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Đặng Công Trường cho biết: Sắp tới, Bình Thạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các chương trình, dự án sinh kế thoát nghèo bền vững; phân loại đối tượng hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân để có những phương án, giải pháp hỗ trợ cụ thể, đạt hiệu quả; phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan, mở thêm các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm; biểu dương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; tạo mọi điều kiện để các hộ dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi để phát triển kinh tế.
Được biết, hiện nay, xã Bình Thạnh đã xây dựng cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang trình hồ sơ về Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện Thạnh Phú để thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận.
Bài, ảnh: Thanh Ngân