Nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, được nhận cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ (2005), UBND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc, đơn vị thi đua xuất sắc (2007)… Những thành tích đạt được là sự phấn đấu không ngừng của đội ngũ y bác sĩ và tất cả nhân viên bệnh viện.
Đến Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh vào một ngày trung tuần của tháng giêng, trước mắt tôi người khám bệnh chờ đợi rất đông, họ chen nhau nộp sổ bảo hiểm. Tiếng khóc la của trẻ em, tiếng bước chân của mọi người, tiếng thăm hỏi làm cho không khí ở đây trở nên tất bật. Bước nhanh qua nơi nhận và trả kết quả, qua các phòng khám, nơi nào cũng chật người.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện có 4 phòng, 15 khoa, tọa lạc tại Tân Lộc, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày. Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay bệnh viện khu vực Cù Lao Minh đã cứu cấp kịp thời nhiều trường hợp ở các huyện: Mỏ Cày, Chợ Lách, Thạnh Phú và có cả tỉnh Vĩnh Long, giúp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu giảm được tình trạng quá tải. Lúc mới hoạt động, cơ sở vật chất, nhân sự gặp rất nhiều khó khăn, vừa thiếu nhân sự lẫn trang thiết bị… nhưng với quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ nhân viên, bệnh viện đã tạo được lòng tin trong nhân dân. Sau gần 9 năm hoạt động, đến nay bệnh viện có 350 giường, 309 cán bộ nhân viên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang thiết bị ngày một nâng lên. Dù làm hết “công suất” nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng quá tải, khoa Nội và khoa Sản là đông nhất. Hàng ngày khám chữa bệnh cho bệnh nhân nội trú khoảng 290 lượt người, ngoại trú 800 lượt người. Riêng khoa nội chỉ 5 bác sĩ, mỗi bác sĩ khám có đôi lúc khám 100 lượt người/ngày (theo tiêu chuẩn mỗi bác sĩ khám khoảng 30 người/ngày).

Trạm trưởng Nguyễn Thị Đoàn và y tá Thùy Vân đang nhận hồ sơ. Ảnh: QH
Bác sĩ Mai Văn Hải là một trong những người theo suốt quá trình lớn lên của bệnh viện bộc bạch: Làm gì cũng có áp lực nhưng với bác sĩ thì áp lực tinh thần vô cùng nặng nề, những lúc bệnh nhân nguy cấp thì người thân không hiểu cứ phiền hà, trách móc. Có lúc quá sức, nhưng bác sĩ thấy bệnh nhân ở xa đến vẫn cố gắng khám cho họ về sớm, tính hết việc chứ đâu tính hết giờ! Ngoài ra, tất cả cán bộ luân phiên nhau trực đêm, những ngày cuối tuần để đảm bảo chăm sóc tốt người bệnh.
Bác sĩ Lê Phước Thành, Trưởng khoa ngoại tổng quát có mặt suốt trong quá trình phát triển và rất tâm huyết với bệnh viện, từ chối tất cả lời mời của các bệnh viện ở thành phố, vì yêu nghề, muốn góp hết sức phục vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con quê hương. Bác sĩ Thành tâm sự: Đã là bác sĩ thì không tính giờ giấc được, khi có bệnh nhân là phải cấp tốc điều trị, những cas phẫu thuật có khi từ 9 giờ sáng kéo dài đến 1 giờ chiều là thường. Lúc bệnh nhân qua cơn nguy hiểm là mình cũng quên mệt mỏi và không còn cảm giác đói. Tuy nhiên do nhân lực còn hạn chế nên bác sĩ không nghe tư vấn cho bệnh nhân, để hiểu rõ tâm tư của bệnh nhân, bệnh viện luôn tổ chức họp hội đồng người bệnh mỗi tuần và có thùng thư góp ý của bệnh nhân. Nhận được những lời cảm ơn, sự tin tưởng, thấy bệnh nhân khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất của đội ngũ y bác sĩ chúng tôi. Giúp chúng tôi có thêm nhiều sức mạnh phục vụ nhân dân tốt hơn.
CHĂM SÓC SỨC KHỎE Ở HUYỆN BIỂN THẠNH PHÚ
Chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) được xây dựng dựa trên các mục tiêu của chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2001 đến nay, huyện Thạnh Phú luôn thực hiện nghiêm túc “Chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010”, trong năm 2008 Thạnh Phú có 3 đơn vị (Thị trấn, An Qui, An Nhơn) đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, tất cả đều đạt trên 90 điểm, có sự hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ của: Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và Hội Đông y huyện.
Để đạt 90 điểm trở lên trong 10 chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành, theo Trưởng Phòng Y tế huyện Diệp Hồng Mỹ, các đơn vị phải thực hiện đúng những nội dung sau đây: Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân (CSBVSKND) được đưa vào nghị quyết của Đảng ủy xã; Hội đồng nhân xã, có kế hoạch hành động cụ thể do UBND xã phê duyệt, cứ sau 6 tháng phải họp đánh giá rút kinh nghiệm. Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu hoạt động thường xuyên tại xã. Huy động được cộng đồng, các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương tích cực tham gia triển khai thực hiện các chương trình y tế. Với nội dung này, ở An Nhơn, các tổ chức, cá nhân tại địa phương hưởng ứng bằng cách hỗ trợ các bữa cơm để nhân viên y tế xã đi thực hiện chương trình y tế tại các ấp. Trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thì 100% cán bộ trạm y tế ở Thị trấn, An Qui, An Nhơn được bồi dưỡng kiến thức và có kỹ năng cơ bản về truyền thông – giáo dục sức khỏe. Tư vấn, truyền thông – giáo dục sức khỏe bằng cách lồng ghép tại trạm y tế, tại cộng đồng và hộ gia đình. Giáo dục sức khỏe qua hệ thống loa truyền thanh xã hơn 4 lần/tháng. 60% hộ gia đình nắm được kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em và phòng chống một số bệnh nguy hiểm.
Về vệ sinh phòng bệnh, 3 đơn vị đã hoàn thành rất tốt, như phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm, các vụ ngộ độc, các vụ tai nạn thương tích xảy ra, có biện pháp đề phòng và không để dịch lớn xảy ra. Trong chương trình mục tiêu y tế quốc gia, luôn đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được giao hàng năm về phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. 70% gia đình ở 3 đơn vị đều sử dụng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác và phân gia súc đúng quy định. Về y tế học đường, có hơn 80% học sinh mẫu giáo, hơn 60% học sinh tiểu học và THCS được khám sức khỏe hàng năm. Bình quân số lần khám chữa bệnh tại trạm y tế và ở hộ gia đình đạt 6 lần/người/năm trở lên. Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị hợp lý tại trạm y tế xã đạt 80%, thường xuyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tất cả các y - bác sĩ nắm vững kiến thức – kỹ năng cấp cứu thông thường, chăm sóc sức khỏe sinh sản và đỡ đẻ thường. Mỗi trạm có vườn thuốc nam với ít nhất 40 loại cây thuốc: (nhàu, dâu tằm ăn, kiến cò, bồ ngót, thầu dầu…), kết hợp điều trị có hiệu quả cao giữa đông y và tây y. Chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt 90% trở lên, như cho uống VitaminA, chẩn đoán điều trị đúng phác đồ, phòng ngừa tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tỷ lệ phụ nữ khám thai, tiêm phòng uống ván, sinh con tại cơ sở y tế… Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, mỗi trạm phải có diện tích trung bình 500m2, có cây xanh bóng mát, sân phơi thuốc nam, 8 phòng chức năng trở lên, có đầy đủ trang thiết bị y tế dành cho tuyến cơ sở… Nhân lực, chế độ chính sách, đảm bảo mỗi trạm có bác sĩ, y sĩ đa khoa, nữ hộ sinh, y tá. Có đảng viên sinh hoạt cùng chi bộ Đảng ủy xã. Có tủ sách chuyên môn. 3 đơn vị nêu trên không có sai phạm về chuyên môn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc. Trưởng trạm y tế xã, thị trấn đều được đào tạo về kỹ năng quản lý. Ngân sách luôn đảm bảo kinh phí cho hoạt động thường xuyên của trạm. Người nghèo và đối tượng chính sách được khám chữa bệnh miễn phí tại trạm. Có quầy thuốc thiết yếu (ít nhất 60 loại thuốc) được bảo quản và sử dụng một cách an toàn…
Qua theo dõi của Phòng Y tế huyện, khoảng 90% người bệnh đến khám và điều trị tại các trạm y tế xã là những bệnh nhân có bảo hiểm y tế (hầu hết là hộ nghèo, diện chính sách) và trẻ em mắc những bệnh thông thường.
Bà Phạm Thị Vẫn, ấp An Định (An Nhơn), cho biết: Nhân viên y tế xã thường xuyên đến ấp này để triển khai các chương trình y tế quốc gia, cho nên ai cũng an tâm về sức khỏe.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bích nhấn mạnh: Sức khỏe là trên hết, cho nên trong những năm qua và hiện tại, Thạnh Phú luôn tập trung công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các trạm y tế xã, thị trấn không nên chạy theo thành tích mà phải thật sự đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
XÃ CHÂU HÒA XUẤT SẮC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA VỀ Y TẾ
Trạm Y tế xã Châu Hòa (Giồng Trôm) được xây dựng từ năm 1983. Năm 2007, trạm được Sở Y tế xây dựng mới với diện tích gần 300m2, gồm 10 phòng. Sau thời gian đăng ký xây dựng, Trạm Y tế xã Châu Hòa được phúc tra công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2008.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế, xã Châu Hòa, cùng với sự quan tâm của chính quyền xã, cơ quan chuyên môn đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra phương hướng hành động cụ thể. Hiện tại, đội ngũ cán bộ y tế ở trạm này đều bảo đảm về mặt số lượng. Cơ cấu chuyên môn cũng được điều chỉnh hợp lý, trạm có bác sĩ, y sĩ đa khoa, y sĩ sản nhi, kỹ thuật viên trung học và y tá sơ dược. Lực lượng trợ sức cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp là mạng lưới nhân viên y tế cộng đồng đã qua đào tạo, được phân bố mỗi ấp 1 người. Trang thiết bị chuyên môn của trạm đều đạt được yêu cầu về số lượng và bảo đảm về chất lượng.
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Đoàn – Trưởng trạm Y tế Châu Hòa, việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã ở đây diễn ra nhanh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, trước hết là nhờ sự kiên quyết và nhất trí trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó, các vấn đề trọng tâm được giải quyết nhanh, dứt khoát và đồng bộ, đặc biệt là trong các khâu bố trí con người, nâng cao nhận thức cộng đồng, điều tiết chương trình y tế, huy động nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất... Song song đó, không thể không kể đến sự hưởng ứng tích cực của các đoàn thể, người dân và những nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ y tế.
Trong đợt phúc tra chấm điểm công nhận đạt chuẩn y tế, đoàn công tác đã đánh giá cao về những cố gắng của toàn thể cán bộ, kết quả xã Châu Hòa đã đạt 98/100 điểm, đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Từ thực tế hoạt động của mạng lưới y tế tuyến cơ sở đã cho thấy, có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì sự nghiệp y tế được nâng lên rõ rệt, mà đối tượng được hưởng lợi chính là người dân. Tuy nhiên, số bác sĩ công tác tại trạm y tế xã hiện nay vẫn còn thiếu. Trong thời gian tới, ngoài việc đầu tư về kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần có sự đầu tư, thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm để giúp cho y tế tuyến xã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.