Chiều thứ bảy, em gõ cửa nhà tôi, nước mắt ràn rụa: “Cô ơi, cô bảo cha mẹ con đừng bỏ nhau, con không muốn ở với một người, cha hoặc mẹ. Con chỉ muốn sống chung với cha mẹ thôi”.
- Cháu N.Kh.Y ở Vĩnh Hòa, (Ba Tri) kể: Không biết vì sao cha mẹ con, người ở một nhà, con thì ở với mẹ và ông bà ngoại. Cứ thứ bảy là cha về thăm con, con mừng muốn khóc, cha ôm con rồi hôn con. Những khi đó, mẹ chỉ đứng ở xa lặng lẽ nhìn hai cha con mà nước mắt cứ lăn dài. Con không hiểu vì sao cha mẹ ít nói chuyện với nhau. Hỏi cha, cha im lặng; hỏi mẹ, mẹ lại khóc, dường như người lớn muốn giấu con chuyện gì!
Không ai nói cho con biết tại sao cha chỉ về ngày thứ bảy rồi vội vã ra đi? Tại sao chỉ ôm hôn con mà chưa bao giờ hỏi han đến mẹ? Và tại sao mẹ chỉ dõi mắt theo khi cha ra về?
Hỏi ra mới biết anh N.H.Đ và chị L.T.H.T ly thân gần một năm nay, anh ở hẳn cơ quan vì không muốn ở chung gia đình nhà vợ; chị T. cũng không muốn về quê anh ở. Những mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Anh chị đang chờ ngày ra tòa, dù người thân, bạn bè, đồng nghiệp hết lời khuyên.
Đối với con cái, điều chúng sợ nhất là cha mẹ ly hôn, sợ mất một trong hai người rất mực yêu thương chúng. Mọi cuộc ly hôn đều trải qua thời gian xung đột, cãi cọ. Mỗi bên đều tự cho mình cái quyền “chiến thắng”, nhưng họ đâu biết rằng con cái của họ thì phải gánh chịu hoàn toàn “thất bại”. Sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ con thường bị khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng đến học hành, tai họa đó triền miên ám ảnh chúng suốt cuộc đời.
Nhìn bé Y chiều nay, tôi cảm nhận được điều đó. Tôi ôm em vào lòng, hứa sẽ giúp em... Nhưng một mình tôi thì không thể đủ sức làm em thôi khóc. Điều cần thiết là cha mẹ hãy lắng nghe tiếng lòng con trẻ. Có thể mỗi bên nên “Cơm sôi bớt lửa”, tất cả vì con cái. Hãy chung tay cứu lấy một gia đình đứng trên bờ vực tan vỡ trước khi quá muộn...