Bộ trưởng Y tế cảnh báo nguy cơ đợt dịch COVID-19 thứ 4

26/03/2021 - 12:45

Sáng 26-3-2021, tại Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống COVID-19 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, các điểm tiêm chủng tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ, tình hình dịch tại các nước trong khu vực còn phức tạp. Vì thế, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công 3 đợt dịch COVID-19. Đợt dịch Thứ 3 tại Hải Dương có số nhiễm khá cao. Đến nay vẫn có một số ca mắc rải rác.

Bộ trưởng lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4, nguy cơ này ở mức cao và mang tính hiện hữu. Lý do vì tình hình dịch trên thế giới và các nước trong khu vực còn phức tạp, trong khi đó, nước ta có đường biên trải dài, rộng.

“Quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Việc nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Ngay trong sáng 26-3, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc, sau đó đi về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh lập tức cách ly người bệnh tại địa phương. Đây là trường hợp xác định được nhưng có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép khác không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng.

“Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị. Phòng khi xảy ra dịch thì các địa phương không bỡ ngỡ, luống cuống. Xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng với cộng đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trước tình hình dịch bệnh phức tạp trong khu vực và thế giới, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền và bằng mọi giá phải ngăn chặn tình trạng nhập nhập cảnh trái phép. Chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Các điểm cầu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP

Các điểm cầu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP

Về vấn đề tiêm chủng, hiện nay có hơn 250 loại vaccine đang được các nước trên thế giới nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu. Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vaccine và mua vaccine. Việc thiếu hụt nguồn cung vaccine đang là vấn đề trên toàn cầu. Thậm chí ngay khi vaccine chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã cố gắng đàm phán với các hãng vaccine trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm giai đoạn này còn khó khăn.

Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine trên toàn thế giới. Lô vaccine được cung cấp qua COVAX (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần.

Về lo ngại những phản ứng không mong muốn sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mọi loại vaccine, từ vaccine cũ đến vaccine phát triển thời gian gần đây đều có một số phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ... sẽ hết nhanh và tỷ lệ này khá cao. Một số nước châu Âu dừng tiêm vaccine để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, cơ quan Dược phẩm châu Âu đã tuyên bố không có liên quan nào giữa vaccine AstraZeneca và tình trạng đông máu. Vì vậy, một số nước đã quay trở lại tiêm vaccine này.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN