Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bến Tre.
Tại hội nghị, các đại biểu ngành chuyên môn đã thông tin tình hình diễn biến dịch Covid-19, các hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch Covid-19; cập nhật tiến độ triển khai công tác tiêm vắc-xin; cập nhật các hướng dẫn cách ly y tế trong phòng chống dịch Covid-19; tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 và các hướng dẫn an toàn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch này bùng phát rất phức tạp, biến chủng delta lây lan nhanh; thời gian nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây. Nước ta đã có 11 đợt tiếp nhận vắc-xin với tổng số 8.238.290 liều, phân bổ cho các đơn vị, lực lượng tuyến đầu.
Tại Bến Tre, theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến 6 giờ, ngày 16-7-2021, toàn tỉnh có 136 trường hợp mắc Covid-19; hiện có 135 trường hợp chuyển điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, 1 trường hợp chuyển điều trị tại Bệnh viên Nguyễn Đình Chiểu.
Tỉnh hiện duy trì công tác, phát hiện, giám sát, theo dõi sức khỏe những người đến từ vùng dịch. Tăng cường truy vết đối tượng F1, F2, F3; thực hiện xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm khẳng định SARS-Cov-2 các trường hợp nghi ngờ, về từ vùng dịch; các trường hợp cách ly và sau cách ly theo quy định. Thực hiện công tác giám sát phòng dịch Covid-19 ở các huyện, thành phố…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Đợt dịch này sẽ kéo dài hơn trước và gia tăng nhiều ca mắc Covid-19; gây tác động trên diện rất rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đang đối mặt với sự bùng phát hết sức phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương nên thiết lập khu vực điều trị ICU tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp thì được xuất viện, không phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày. Đồng thời, thí điểm cách ly F1 tại nhà, có thể áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nếu đảm bảo các tiêu chí.
Về công tác xét nghiệm, trước đây chủ yếu sử dụng xét nghiệm PCR là chính, giờ thay đổi sử dụng test nhanh là chính để tối ưu hóa vấn đề xét nghiệm, trả kết quả nhanh, đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Vì đặc tính virus phát tán mạnh, một người nhiễm thì cả nhà, cả nơi đó nhiễm. Và để tiết kiệm test nhanh, Bộ Y tế kiến nghị có thể gộp mẫu trong test nhanh, nhất là TP. Hồ Chí Minh nơi có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt là khu vực có diễn biến phức tạp thì có thể sử dụng test nhanh gộp 3 đến 5 mẫu trong một test; việc này vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo tốc độ, độ nhạy gần tương đương mẫu đơn. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý với vùng nguy cơ cao không nên gộp quá nhiều mẫu test nhanh, chỉ gộp tối đa là 5 mẫu.
Các tỉnh, thành phải chuẩn bị kịch bản đến tình huống xấu nhất, với các địa phương chưa có dịch thì chuẩn bị ngay, các địa phương đã có dịch thì phải tập trung cao hơn; quyết tâm khống chế dịch bệnh Covid-19.
Tin, ảnh: Ánh Nguyệt