Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn

29/04/2009 - 08:26

Dịch cúm lợn bước vào giai đoạn nguy hiểm

Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, y tế các ngành tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn. Bộ cũng đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng… đề phòng dịch cúm lợn H1N1 lây lan vào nước ta.

Sáng 28/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm tổ chức cuộc khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm lợn H1N1 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chủ trì cuộc họp.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 4 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh cúm A-H5N1 và đều bị tử vong. Riêng trong tháng Tư, có một trường hợp xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và cũng đã tử vong.

Tại cuộc họp, Cục y tế dự phòng và môi trường khẳng định: Trước diễn biến phức tạp về dịch cúm lợn H1N1 xảy ra ở nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng: đây là vấn đề khẩn cấp đối với sức khoẻ cộng đồng và cần phải  được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay khi nhận được thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã triển khai một loạt biện pháp ngăn chặn.

Trước mắt, Bộ Y tế đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng tiêu độc môi trường, chỉ đạo các Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, thành phố phải kiểm tra thường xuyên, đề xuất biện pháp ngăn chặn không để dịch cúm lợn H1N1 lây lan vào nước ta.

Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường phối hợp với các lượng lượng chức năng, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao và cơ sở điều trị, đặc biệt là người nước ngoài, người Việt Nam đến từ vùng có dịch.

Trước tình hình dịch cúm lợn diễn biến đặc biệt phức tạp, có thể bùng phát thành đại dịch; nhằm sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh, điều trị có hiệu quả, chiều 28/4, Bộ Y tế đã có công điển khẩn gửi các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các ngành tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn.

Theo đó, các đơn vị tăng cường cảnh giác đối với các trường hợp có triệu chứng cúm, đặc biệt chú ý đến những người mới đến từ các nước có dịch có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, ... , phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ cúm. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ cúm phải tiến hành cách ly ngay và phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vi rút theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức triển khai và kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện, cấp cứu, thu dung điều trị, cách ly và chăm sóc người bệnh; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát lây nhiễm và nghiêm túc thực hiện các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện,... Các đơn vị đặc biệt coi trọng công tác rà soát cơ sở vật chất, khu vực cách ly, bảo đảm đầy đủ vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực bảo đảm sẵn sàng phòng chống dịch, tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành hoàn thiện kế hoạch điều trị chống dịch và có các phương án cụ thể để phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chuẩn bị, tiếp nhận, cấp cứu, thu dung và điều trị cho bệnh nhân và thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu. Đồng thời, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố. Chú ý đến việc chỉ đạo và hỗ trợ công tác điều trị phòng chống dịch bệnh.

Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đơn vị phải thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch bệnh của bệnh viện; xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch, có các phương án cụ thể để phục vụ bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh bùng phát; chủ động và sẵn sàng về giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế và bố trí nhân lực phù hợp để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân, không để lây lan dịch và hỗ trợ tuyến dưới. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức tốt khu vực cách ly điều trị bệnh dịch, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp xử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh; phối hợp với hệ thống y tế dự phòng và các cấp, các ngành có liên quan tăng cường giám sát dịch tễ, truyền thông giáo dục sức khoẻ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp, không để bùng phát dịch.

Được biết, tính đến ngày 27/4/2009 tại Mỹ đã phát hiện 40 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1); tại Mexico cũng ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc bệnh./.

 Dịch cúm lợn, bà con chớ hiểu lầm!

Để có thêm thông tin tới bạn đọc về loại virus có khả năng lây lan rất nhanh này, phóng viên TNVN phỏng vấn TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

** Thưa ông, những thông tin mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về loại virus cúm này là gì?

Đây là một loại virus cúm mới hoàn toàn, lây từ người sang người, gây ra dịch cúm ở một số nước. Tên gọi ban đầu của virus cúm này là virus cúm lợn nhưng nó đã là virus cúm ở người và không liên quan gì đến cúm ở lợn nữa rồi. Trong thành phần của virus cúm mới này có 4 vật liệu di truyền khác nhau: vật liệu di truyền của cúm lợn ở Bắc Mỹ, của cúm lợn ở Châu Á, của cúm gia cầm và của cúm người. Như vậy, bà con không nên hiểu lầm virus cúm này nếu xảy ra ở Việt Nam là do lây từ lợn sang người. Đây là chủng virus mới hoàn toàn khác chủng virus cúm lợn. Và do đó không quá lo lắng về thức ăn từ lợn.

** Thưa ông, những biểu hiện khi mắc cúm do H1N1 là gì?

Là sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi và một số trường hợp có thể đi ngoài, phân lỏng, buồn nôn. Đấy cũng là biểu hiện rất thông thường của hội chứng cúm thường.  Trên thực tế lâm sàng, ngay cả ở Mỹ, cũng rất khó phân biệt biểu hiện cúm do virus cúm mới này với cúm do virus theo mùa thông thường.

** Vậy phải phòng chống như thế nào?

Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo cho tình hình hiện nay. Trước tiên là tăng cường phát hiện ra ca bệnh sớm, cách ly, điều trị kịp thời thông qua việc kiểm dịch y tế quốc tế. Tức là chú trọng nhiều hơn đến việc theo dõi những người đi từ những vùng có dịch đến Việt Nam, như từ Mexico, Mỹ...

Đề phòng bệnh cúm này thì cũng như bất kỳ loại cúm thông thường nào, nghĩa là phải làm vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng, tránh tập trung nơi đông người, đeo khẩu trang; khi có biểu hiện đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là khi đi từ vùng có dịch về, tiếp xúc với bệnh nhân, thì phải thông báo ngay cho y tế địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, có biện pháp cách ly, khoanh vùng, xử lý...

** Liệu có thể yên tâm về khả năng ứng phó của chúng ta?

Chúng ta đã có hệ thống ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người ở Trung ương đến các địa phương. Hệ thống y tế của chúng ta cũng đã được tập huấn và tham gia trực tiếp nhiều trong phòng chống bệnh mới phát hiện. Cán bộ y tế được tập huấn, hệ thống y tế được chuẩn bị cho đại dịch cúm xảy ra, nhiều nơi đã tiến hành diễn tập cho đại dịch cúm, và hầu hết các địa phương cũng đều có kế hoạch sẵn sàng ứng phó cho đại dịch này.

Vấn đề của chúng ta là làm sao tăng cường hệ thống này mạnh hơn nữa.

** Các phòng xét nghiệm của Việt Nam đã xét nghiệm được virus cúm mới?

Phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là phòng thí nghiệm của Trung tâm Cúm quốc gia được hỗ trợ rất nhiều của Tổ chức Y tế thế giới và Hoa kỳ. Chúng tôi có quan hệ thường xuyên và mật thiết nên có thể phát hiện được các virus cúm mới ở người tại Việt Nam.

** Thời điểm hiện nay, người dân có nên tiêm vắc-xin phòng cúm?

Tiêm phòng cúm như bình thường thì vẫn nên tiêm. Nhưng nhớ rằng, vắc-xin phòng cúm theo mùa thông thường hiện nay không chứa thành phần kháng nguyên của virus mới này, do đó không phòng được virus cúm mới này?

** Vậy thì thật đáng sợ?

Theo tôi, người dân không nên quá hoang mang, vì hiện nay virus này chưa xuất hiện ở Việt Nam. Nếu chúng ta làm tốt công tác kiểm dịch, theo dõi những người ở những vùng có dịch đến Việt Nam chặt chẽ, tiến hành các biện pháp giám sát phát hiện sớm để mà chúng ta có thể có biện pháp xử lý kịp thời, thì hoàn toàn không đáng lo.

** Xin cảm ơn ông!./.

Hải Yến thực hiện

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN