Bồi hồi Cảng Cát Lái, chặng cuối chuyến hành trình

24/10/2011 - 07:42
Anh Dương Văn An tặng hoa các cựu chiến binh Đoàn tàu không số tham gia chuyến hành trình.

Đúng 9 giờ sáng ngày 19-10-2011, tại cảng Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), đoàn đại biểu hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển đã cập bến, thực hiện chặng thứ sáu của chuyến hành trình. Vượt qua trên 40km đi bằng thuyền máy mất khoảng 1 giờ đồng hồ, mọi người đến Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Về chiến tích xưa, sau 40 năm, bác Đỗ Xuân Tâm, nguyên thợ máy 1 tàu 167 và thợ máy trưởng tàu 69, hai con tàu không số từng cập bến ngày trước không khỏi bùi ngùi xúc động.

Bác Tâm không những là người cựu chiến binh cập Bến Vàm Lũng mà còn có 10 năm chiến đấu và công tác tại tỉnh Cà Mau nên hơn ai hết, bác hiểu và thân thương với Cà Mau biết bao. Bác cho biết, Bến Vàm Lũng là một trong những bến tiếp nhận vũ khí nhiều nhất cho chiến trường miền Nam. Hơn nữa, nhân dân nơi đây trong suốt thời kỳ kháng chiến đã quyết không làm mất một cây súng, quả lựu đạn của anh em miền Bắc tiếp viện. Có như vậy mới càng hiểu rõ hơn tình quân-dân cá-nước gắn bó máu thịt như thế nào. Điều đặc biệt là bác Tâm đã tình cờ được đi cùng một chặng hành trình với con gái của bác là chị Đỗ Thị Bắc, đạo diễn của Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam VTC. Chị Bắc cũng là một đại biểu tiêu biểu cho thanh niên Hà Nội tham gia chuyến hành trình. Chia sẻ với chúng tôi, chị rất xúc động và tự hào khi cha mình là một cựu chiến binh Đoàn tàu không số. Một hình ảnh xúc động nữa là bác Tâm đã gặp lại cô bé giao liên trong những ngày kháng chiến. Cả hai ôm chầm lấy nhau, vừa khóc, vừa nói không nên lời.

 

Các đại biểu tiêu biểu của chuyến hành trình được nhận bằng khen.
Ảnh: T.H

 

Buổi chiều, các đại biểu tham gia trò chơi lớn đi tìm Dấu tích huyền thoại bằng cách chia làm 6 đội, di chuyển trên thuyền máy đến 6 điểm; đến thăm nhà Anh hùng lực lượng vũ trang Bông Văn Dĩa. Buổi tối, diễn ra buổi giao lưu, văn nghệ đầy xúc động với chủ đề Phụ nữ Việt Nam - Hậu phương vững chắc ngay trên sân cảng Năm Căn. Các thành viên trên tàu được một dịp xem những màn hóa trang, diễn văn nghệ của những đấng mày râu tham gia chuyến hành trình. Anh Trần Thanh Lâm - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, Phó trưởng Đoàn Hành trình, đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, thậm chí có thể nói là dũng cảm của các bạn nữ khi đến với chuyến hành trình. Hoan hô các bạn nữ - hậu phương vững chắc cho các bạn nam trên tàu HQ996.

Đúng 16 giờ chiều ngày 22-10-2011, tại cảng Cát Lái (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) nơi đóng quân của Lữ đoàn 125 Hải quân huyền thoại, quân và dân thành phố đã nồng nhiệt chào đón 148 đại biểu đoàn Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển về với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Đây là điểm cuối của chuyến hành trình sau hơn 18 ngày khởi hành từ bến K20 Hải Phòng, qua 8 tỉnh, thành. Cảng Cát Lái rợp bóng cờ, hoa với màu áo trắng của các bác cựu thủy thủ Đoàn tàu không số và màu áo xanh của sức trẻ tình nguyện. Đến đón đoàn hành trình có đồng chí Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng hơn 300 đoàn viên, thanh niên TP.Hồ Chí Minh, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân. Bạn Nguyễn Phúc Hậu, doanh nghiệp trẻ đại diện cho thanh niên của TP.Hồ Chí Minh bỗng òa khóc khi vừa xuống tàu. Bạn Phúc Hậu chia sẻ: “Không phải tôi khóc vì nhớ nhà mà vì thấy sự đón tiếp quá nồng nhiệt của mọi người dành cho đoàn hành trình. Thật tự hào biết bao khi là một công dân của thành phố mang tên Bác được đi theo chuyến hành trình”.

Tiếp sau lễ đón, mọi người bước vào một buổi lễ càng quan trọng và thiêng liêng hơn, tổng kết “Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” và trao giải cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, anh Trần Thanh Lâm cho biết, cả đoàn 148 đại biểu đại diện cho những thanh niên tiêu biểu của 63 tỉnh, thành trong cả nước đã vượt qua 1.522 hải lý, dừng chân tại 8 tỉnh, thành phố nơi ghi dấu tích đoàn tàu không số. Mục đích để cùng sống lại, trải nghiệm và hiểu rõ những gian lao, vất vả nhưng đầy hào hùng của chiến sĩ hải quân đoàn tàu không số năm xưa. Đặc biệt, 9 bác cựu chiến binh Đoàn tàu không số tuy tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia cùng đoàn và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả đoàn. Song song đó, các bạn đã trở thành “chiến sĩ hải quân” sau những chương trình của học kỳ trên biển. Đến hôm nay, chuyến hành  trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển đã thành công tốt đẹp.

Giờ phút được cả hội trường quan tâm theo dõi nhiều nhất chính là lúc phát video clip ghi lại các hoạt động của đoàn Hành trình từ những giờ phút xuất phát tại bến K20 và lần lượt tại sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau). Đến địa điểm nào cũng tràn ngập hoạt động thú vị, tràn ngập những tình cảm yêu thương của người dân địa phương và tràn ngập sự “bốc lửa” hết mình của đại biểu hành trình. Bạn Phạm Minh Hiền - Phát thanh viên, đại diện Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tâm sự, là một nhà báo, bạn tự hứa với bạn đọc tỉnh nhà là sẽ có những bài viết hay, dài hơi thể hiện tinh thần của chuyến hành trình.

Cùng với chuyến Hành trình theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển, Trung ương Đoàn và Quân chủng Hải quân tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Phát động từ ngày 15-8-2011. Cuộc thi đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước với sự tham gia đông đảo nhân dân. Tổng cộng có hơn 2,5 triệu bài dự thi. Trong đó, Hà Nội 450 ngàn bài, Quân chủng Hải quân 41 ngàn bài… Về cá nhân tiêu biểu, đặc biệt như: cụ ông Trần Văn Trừng, 94 tuổi (Nam Định), em Làu Giáng Hương, lớp C2 Trường Tiểu học Quảng Lâm (Quảng Ninh). Bài dự thi có số lượng trang dài nhất là 2.600 trang chia thành 7 tập của nhóm tác giả Đoàn tàu không số - Học viện An ninh nhân dân. Ban Tổ chức đã chấm và quyết định trao giải cho 68 tác phẩm dự thi xuất sắc nhất của cá nhân và các nhóm tác giả. Cụ thể: giải đặc biệt thuộc về chị Nguyễn Thu Hằng - Vụ Khoa giáo Văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ; giải nhất về nhóm Đoàn tàu không số của Học viện An ninh và thượng úy Đinh Trung Giáp công tác tại Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Về tập thể: hai giải nhất thuộc về cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên thành phố Hà Nội và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Khởi, chị Nguyễn Thu Hằng cho biết: “Thế hệ trẻ của chúng ta không được quên quá khứ. Có quá khứ mới có chúng ta hôm nay. Mục đích của tôi đến với cuộc thi này cũng là vì vậy”.

Tối hôm qua (23-10-2011), tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) và Vàm Lũng (Cà Mau) đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp để ôn lại lịch sử hình thành và đi vào hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại của 50 năm về trước.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN