Bức xúc giống cá tra

16/04/2010 - 08:57
Ông Nguyễn Văn Rí (phải). Ảnh: P.L.H.H.

Diện tích nuôi cá tra tại Bến Tre đang phát triển với gần 700 ha. Nếu thả nuôi với mật độ 40 con giống/m2 mặt nước thì dự liệu mỗi vụ nuôi phải cần trên 300 triệu con giống (2 vụ/năm). So với các tỉnh khác tại ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra tại Bến Tre tuy mới phát triển, nhưng cái được là chất lượng rất cao, thịt cá trắng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bến Tre cũng đã có qui hoạch cụ thể vùng nuôi cá  trên các cồn ở huyện Châu Thành, đó là nền tảng tốt để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra. Tuy nhiên, để chủ động và đảm bảo phát triển bền vững vùng nuôi, Bến Tre cần mở rộng sản xuất giống sạch tại chỗ đủ để đáp ứng cho vùng nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nói.

Dự án “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra nhân tạo (Pangasius Hypopthalmus Sauvage, 1878), do Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản Bến Tre thực hiện tại Bến Tre đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật Bến Tre nghiệm thu vào tháng 11-2009 và được đánh giá cao về mặt kinh tế - xã hội, đã tạo ra đàn cá giống khỏe mạnh, sạch bệnh, không nhiễm các chất kháng sinh và hóa chất cấm, đáp ứng những yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn ngành. Đây là một tin vui cho người nuôi cá tra tại tỉnh nhà. Tuy nhiên, nguồn giống cá tra từ đề tài chuyển giao này, hiện chưa đáp ứng được 10% so với nhu cầu giống cá tra trong toàn tỉnh. Để có đủ số lượng giống thả nuôi, người nuôi cá tra trong tỉnh vẫn tiếp tục mua giống từ ngoài tỉnh, nhiều khi gặp giống không đảm bảo chất lượng. Đó là chưa nói đến cá giống di chuyển xa, thay đổi môi trường nước, khi thả nuôi bị sốc nước, cá chết rất nhiều!
Vì sao Trung tâm Giống thủy sản Bến Tre chưa có đủ giống cá tra từ đề tài đã được nghiệm thu nói trên? Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Bến Tre Châu Hữu Trị, với đề tài trên, hiện cơ sở của trung tâm mỗi năm chỉ có khả năng sản xuất được vài chục triệu cá bột, rồi ươm thành chừng 3 triệu con giống đạt chuẩn (từ cá bột ươm thành cá giống đạt từ 10% trở lên là đạt yêu cầu). 3 triệu cá giống so nhu cầu gần 300 triệu cá giống/vụ nuôi, quả như... muối bỏ biển!
Việc liên doanh với tư nhân trong sản xuất giống cá tra gặp nhiều khó khăn, vì ở lĩnh vực này phải đầu tư rất lớn, trong khi tỷ lệ rủi ro rất cao. Người sản xuất giống khó nắm bắt giá cả thị  trường, nên khi giá cá tra xuất khẩu giảm (chừng 1.000 đồng/kg), thì giá cá giống bán ra cũng sẽ giảm ngay, người sản xuất có thể phải “ôm”cá giống, nếu người nuôi “treo ao” do bị lỗ! Đó là chưa nói đến việc người làm giống  phải tiếp tục đầu tư (thức ăn và công chăm sóc) để duy trì đàn cá bố mẹ.
Cách đây 4 năm, ông Nguyễn Văn Rí, một Việt kiều Úc đã về quê Bến Tre thành lập Công ty TNHH Thành Công sản xuất cá tra tại cồn Linh. Trại sản xuất cá tra của ông Rí thả nuôi cá tra với mật độ 50 con giống/m2 mặt nước (loại giống 1,5 phân), mỗi vụ nuôi cần đến trên 1 triệu con giống. Ông Rí than: “Đầu năm 2009, tôi mua giống ngoài tỉnh với giá 600đồng/con, nhưng vào đầu năm 2010, tôi vận chuyển giống về tới chỗ nuôi, giá đã tăng gần 900đồng/con. May là cá tra vừa thu hoạch, tôi bán được 16.500 đồng/kg (loại 900 gram/con), nên vẫn có lãi. Dù vậy, nhưng hễ vào vụ nuôi thì bao giờ tôi cũng lo lắng, khi nghĩ đến nguồn cá giống sẽ lấy ở đâu, giá cả như thế nào!?”
Trong tình hình tại tỉnh, không có một đầu mối sản xuất giống cá tra với qui mô lớn và đạt chuẩn, nhiều doanh nghiệp, nông dân tự mua cá bột ở các trung tâm, cơ sở sản xuất giống về ươm thành giống. Đây là biện pháp tranh thủ cấp thời, nhưng khó đảm bảo chất lượng con giống vì không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc lẫn lộn các nguồn gốc xuất xứ với nhau. Bởi vậy, ước mong lớn nhất của Bến Tre hiện nay là được Bộ NN & PTNT đầu tư mở một trung tâm giống cấp I tại tỉnh hoặc các công ty tư nhân hợp tác với Bến Tre sản xuất cá tra tại chỗ. Theo đó, trung tâm này có diện tích tối thiểu khoảng 50 ha mặt nước và đàn cá bố mẹ khoảng 30.000 con, với dự kiến  tổng vốn đầu tư 400-500 tỷ đồng… Chưa nói đến phải bỏ ra số tiền quá lớn để đầu tư, Bến Tre đất hẹp người đông, việc kiếm được 50 ha mặt nước liền nhau ở vùng nước ngọt quanh năm để sản xuất giống cá tra, xem ra chẳng dễ. Thế nên, điều mong ước của người nuôi có đủ giống cá tra đạt chuẩn sản xuất tại chỗ vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ, họ vẫn tiếp tục tranh nhau mua con giống từ khắp nơi cho từng vụ nuôi cá!

 Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Thành Công Nguyễn Văn Rí cho biết: “Diện tích nuôi cá tra của trại chúng tôi tại cồn Linh (xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm) rộng 20 ha. Nhờ vào liên kết tốt với Công ty Cổ phần Hùng Vương (qua cung cấp thức ăn và nhận lại cá), nên 3 năm qua, năm nào chúng tôi cũng lãi 4-5 tỷ đồng. Có điều, giống cá tra phải tự tìm mua ở ngoài tỉnh, khi chuyển cá về nuôi, cá bị sốc nước và bệnh chết rất nhiều. Nếu có được giống tốt, sản xuất tại chỗ, chúng tôi có thể có lãi nhiều hơn”.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN