Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) tại Chicago, bang Illinois, Mỹ, ngày 19-8-2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Theo phân tích của Euronews về dữ liệu do tổ chức phi lợi nhuận Open Secrets cung cấp, các tập đoàn châu Âu đã gián tiếp chuyển khoảng 14,3 triệu USD tiền cho các chiến dịch bầu cử của Mỹ trong chu kỳ bỏ phiếu hiện tại.
Trong số các khoản tiền đó, khoảng 56% được dành cho các chiến dịch của đảng Cộng hòa, trong khi 44% được dành cho đảng Dân chủ.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, các công ty nước ngoài bị cấm đóng góp trực tiếp vào các chiến dịch bầu cử của Mỹ, nhưng họ có thể dễ dàng vượt qua những rào cản đó bằng cách sử dụng các công ty con tại Mỹ để thành lập các ủy ban hành động chính trị được gọi là PAC.
Các PAC này thu tiền từ các nhân viên người Mỹ, sau đó chuyển vào các chiến dịch tranh cử, trong đó chi tiêu thường tập trung vào các ứng cử viên quốc hội hơn là ứng cử viên tổng thống.
PAC đã là một phần chính trong tài trợ chiến dịch của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Đóng góp trực tiếp của họ cho các chiến dịch bị giới hạn, nhưng họ có thể chi tiền không giới hạn cho quảng cáo ủng hộ các đảng và người được họ đề cử.
Phân tích của Euronews cho thấy tổng cộng 143 công ty có trụ sở chính tại 13 quốc gia châu Âu - trong số đó có 10 quốc gia thành viên EU - đã đầu tư tiền vào các cuộc bầu cử ở Mỹ thông qua PAC.
Những đóng góp lớn nhất trong chu kỳ bầu cử kéo dài hai năm này đến từ ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS, công ty viễn thông Đức T-Mobile và công ty quốc phòng Anh BAE Systems.
Theo Sarah Bryner, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại Open Secrets, PAC là một công cụ vận động hành lang thiết yếu nhưng không đủ mạnh để tác động đến kết quả bầu cử.
Chuyên gia Bryner giải thích: "Các công ty châu Âu không chỉ đơn thuần muốn can thiệp vào bầu cử, mà là cần phải tác động đến việc hoạch định chính sách tại Mỹ". Ông nhấn mạnh rằng nhiều tập đoàn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ nên buộc phải tham gia vào các hoạt động chính trị.
Một điều thú vị là các PAC này thường đóng góp gần như ngang nhau cho cả hai đảng. Như Bryner giải thích: "Mục tiêu của họ là tiếp cận được với các chính trị gia bất kể đảng phái". Tuy nhiên, xu hướng vẫn nghiêng nhẹ về phía đảng Cộng hòa. Ngoại lệ duy nhất là các PAC của các công ty từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, những nơi lại nghiêng về phía đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, so với quy mô tài chính của các cuộc vận động tranh cử Mỹ, con số 14,3 triệu USD này vẫn khá khiêm tốn. Các chiến dịch chính trị Mỹ đã huy động gần 8,6 tỷ USD từ tháng 1-2023 đến tháng 4-2024.
Một yếu tố quan trọng khác là sự ra đời của các "siêu PAC" sau phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2010. Những nhóm này có thể chi tiêu gần như không giới hạn để ủng hộ các ứng cử viên thông qua quảng cáo và mạng xã hội.
Nguồn: TTXVN