
Vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công ở xã Bình Phú, TP. Bến Tre. Ảnh: P. Hoàng
Bên cạnh đó là thiếu nhân lực phục vụ công tác nhân nuôi OKS tại các huyện (chỉ 2 - 3 cán bộ kỹ thuật tại Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện), lượng OKS nhân nuôi và phóng thích còn thấp, chưa kiểm soát được diện tích SĐĐ trên địa bàn từng huyện.
Công tác triển khai nhân nuôi OKS tại hộ gia đình chưa mang lại hiệu quả cao do quá trình nhân nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nông dân trông chờ vào lượng ong phóng thích nhưng chưa đủ để kiểm soát lượng sâu hại trên vườn làm ảnh hưởng đến công tác phòng trị, sự sinh trưởng cũng như năng suất dừa.
Nông dân, các đội phun thuốc dịch vụ thường lựa chọn các loại thuốc có hiệu lực nhanh, độ độc cao dẫn đến gây chết vật nuôi, tôm, cá và đặc biệt là thiên địch trên các vườn dừa làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai công tác quản lý SĐĐ bằng biện pháp sinh học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (phun ngừa khi chưa có dấu hiệu bị sâu gây hại, phun định kỳ quá nhặt) có nguy cơ làm ảnh hưởng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, dừa an toàn đã được nông dân và các doanh nghiệp cùng xây dựng thành công thời gian qua.
Một số nông dân, địa phương chưa tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: không vệ sinh vườn, cắt tỉa các tàu lá bị gây hại nặng đem tiêu hủy trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc cắt tỉa mà không tiêu hủy nên hiệu quả phòng trừ không cao, tăng chi phí phòng trừ và khả năng lây lan. Đồng thời, việc thực hiện phòng trừ không đồng loạt, phun thuốc chưa đúng cách là nguyên nhân gây tái nhiễm và lây lan nhanh.
Một số ít nông dân không quan tâm đến công tác phòng trừ, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, giá dừa thấp, đất kinh doanh, đất ven đường là các nguyên nhân chính dẫn đến công tác phòng trừ không kịp thời và gia tăng khả năng lây lan. SĐĐ hại dừa gây hại nặng và lây lan nhanh trở lại trong thời tiết nắng nóng và gió lớn. Do đó, cần nhanh chóng kiểm soát SĐĐ vào mùa mưa tránh gây bùng phát dịch vào mùa nắng.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường điều tra, dự báo, kịp thời phát hiện và phòng trị, không để ổ dịch lớn gây hại nặng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền khả năng gây hại và biện pháp quản lý tổng hợp SĐĐ hại dừa sâu rộng đến người nông dân thông qua các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và các kênh báo, đài trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác nhân nuôi ong ký sinh trong phòng thí nghiệm, tập trung phát triển nhân nuôi tại các huyện để gia tăng mật số OKS ngoài tự nhiên.
Đối với công tác nhân nuôi OKS tại hộ gia đình, chỉ tập trung phát triển một số điểm có điều kiện và nhân lực thực hiện. Phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp khác trong công tác phòng trừ SĐĐ hại dừa.
P. Hoàng