Các huyện, ngành khẩn trương ứng phó bão số 9

24/11/2018 - 14:59

BDK.VN - Sau khi có thông báo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình cơn bão số 9, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương triển khai phương án di dời dân vào khu vực an toàn để tránh bão.

Chặt gọn các nhánh cây ven đường để phòng chống bão. Ảnh: A. Nguyệt

Chặt gọn các nhánh cây ven đường để phòng chống bão. Ảnh: A. Nguyệt

Thông tin từ bộ phận trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, số liệu tổng hợp tạm thời đến 14 giờ cùng ngày, toàn tỉnh đã di dời tại chỗ đối với 15 ngàn hộ dân và sơ tán 1 ngàn hộ đến nhà tránh trú bão.

* TP. Bến Tre: Lãnh đạo TP. Bến Tre và các thành viên Ban Chỉ huy  phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 tại các xã, phường trên địa bàn.

Theo báo cáo sơ bộ, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn tất công tác ứng phó với bão số 9. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác trực bão tại các địa phương được thực hiện nghiêm túc; huy động, trưng dụng các phương tiện, vật tư cần thiết cho công tác phòng, tránh bão.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trúc Lâm kiểm tra công tác phòng, tránh bão số 9. Ảnh:Phương Thảo

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trúc Lâm kiểm tra công tác phòng, tránh bão số 9. Ảnh:Phương Thảo

Tại các nơi kiểm tra, ông Nguyễn Trúc Lâm - Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị các xã, phường tích cực kiểm tra tình hình, chủ động trong công tác phòng tránh bão; thường xuyên cập nhật các bản tin của cơ quan khí tượng thủy văn, tin nhắn SMS điều hành của thành phố, các văn bản chỉ đạo thông qua hệ thống iOffice để sớm biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 9; vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, các địa phương ở khu vực ven sông dễ bị ảnh hưởng như xã Mỹ Thành, Sơn Đông, Phú Hưng, Bình Phú, Nhơn Thạnh theo dõi chặt diễn biến thời tiết trên địa bàn; thông báo tàu thuyền đang hoạt động trên sông tìm nơi neo đậu an toàn.

* Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Quốc Cường cho biết: Hiện lực lượng Đoàn thanh niên ở các huyện, thành phố và các địa phương cơ sở đã tham gia vào lực lượng hỗ trợ người dân phòng tránh bão.

Các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chia nhau trực tiếp đến các địa phương, nhất là các huyện biển để nắm tình hình, góp phần thưc hiện công tác phòng tránh bão theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với các xã đều đã có thành lập một đội hình thanh niên xung kích để tham gia hỗ trợ bà con nhân dân ứng phó với bão. Đồng thời, cấp tỉnh và huyện cũng đều có thành lập đội để phản ứng nhanh trong các tình huống, trực chiến và sẵn sàng tham gia vào hỗ trợ người dân.

“Trong ngày 24-11-2018, lực lượng thanh niên ở các địa bàn trọng yếu 3 huyện biển đã và đang tích cực hỗ trợ di dời người dân về nơi tránh bão an toàn; nhất là người già, trẻ em và toàn thể người dân nói chung. Đồng thời, tham gia hỗ trợ chằng chống nhà cửa đảm bảo chắc chắn, giảm thiệt hại về nhà cửa cho người dân khi bão đến. Bên cạnh đó, huy động lực lượng thanh niên đảm bảo trực 24/24 trên tinh thần sẵn sàng ứng phó với các tình huống của bão theo chỉ đạo chung”, anh Cường cho biết.

* Tại Ba Tri: Lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng, ban đang tiến hành di dời 247 hộ dân với khoảng 350 nhân khẩu tại khu vực xung yếu cù lao đất (An Bình, xã An Hiệp) vào trường học, nhà tránh trú bão và nhà kiên cố của dân gần khu vực.

Các xã ven biển An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thạnh, Bảo Thuận tập trung di dời các hộ dân khu vực nguy cơ mất an toàn đến nhà tránh trú bão tại địa bàn xã Bảo Thuận. Công tác sẽ hoàn thành chậm nhất trong chiều nay.

Các tàu thuyền đánh bắt trên địa bàn Ba Tri đã cập bến. Ảnh: P. Hân

Các tàu thuyền đánh bắt trên địa bàn Ba Tri đã cập bến. Ảnh: P. Hân

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho hay, sáng cùng ngày, các địa phương đã tiến hành rà soát các hộ dân cần di dời; phối hợp với Đồn Biên phòng Hàm Luông chỉ đạo không cho tàu thuyền ra khơi. Đến 1 giờ 30, hầu hết tàu thuyền đánh bắt khu vực sông Hàm Luông đoạn xã An Thủy đã cập bến neo đậu tại bến Bắc Kỳ, rạch Bà Hiền để tránh bão an toàn.

* Tại Chợ Lách: Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trong sáng 24-11-2018, huyện đã sơ tán 1.600 người dân tại các khu vực cồn vào nơi an toàn để tránh bão số 9.

Người dân tại các khu vực cồn xung yếu của huyện gồm cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình), cồn xã Tân Thiềng, cồn Cái Gà (xã Long Thới) đã được sơ tán vào trong đất liền, người dân ở các nhà yếu, nhà tạm cũng được di dời sang tạm lánh ở các nhà kiên cố.

Nhà vườn Chợ Lách sắp xếp lại cây giống để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9. Ảnh: Thanh Đồng

Nhà vườn Chợ Lách sắp xếp lại cây giống để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9. Ảnh: Thanh Đồng

Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Chợ Lách đã chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”, đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Huyện khẩn trương tuyên truyền cho người dân triển khai ứng phó với bão.

Ông Liêm thông tin, hệ thống phát thanh trên địa bàn thường xuyên phát tin cảnh báo bão cho người dân biết, theo dõi và cập nhật tình hình diễn biến bão, các bản tin diễn biến bão được phát trên hệ thống truyền thanh xã, ấp từ 30 phút - 1 tiếng/lần.

Các nhà vườn Chợ Lách hiện đang bắt đầu vào vụ hoa kiểng Tết, ngành chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sắp xếp khít lại vườn cây giống, hạ giàn chậu hoa để giảm thiệt hại khi có giông, lốc.

* Tại Thạnh Phú: UBND huyện đã chỉ đạo di dời các hộ dân ở vùng có ảnh hưởng của bão trước 13 giờ ngày 24-11-2018. Ông Võ Văn Hiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Phòng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cổ Chiên, UBND các xã, thị trấn nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 17 giờ ngày 23-11-2018 đến khi có thông báo mới. Phòng cũng thực hiện theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền; nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu; tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi (số lượng đã liên lạc được và số lượng chưa liên lạc được, vị trí, tọa độ, số lượng ngư dân) để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Qua kiểm tra, công tác chuẩn bị phòng chống bão tại các xã hiện đã ổn.

Ông Trương Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong cho biết, tính đến 2 giờ, các tàu đánh bắt đã vào nơi neo đậu an toàn; các trường cũng cho nghỉ học theo chỉ đạo của tỉnh, đã thống kê các hộ dân cần di dời và hiện đang di dời tất cả các hộ dân có nhà tạm bợ sang nhà kiên cố. 

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Thanh Tùng thăm các hộ dân trú bão ở xã Thạnh Hải. Ảnh: Văn Minh

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Thanh Tùng thăm các hộ dân trú bão ở xã Thạnh Hải. Ảnh: Văn Minh

+ Toàn huyện có gần 140 tàu thuyền đánh bắt cá đã vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 500 hộ dân ở những vùng xung yếu, các cồn, bãi ven biển ở các xã Mỹ An, An Điền, Thạnh Phong và Thạnh Hải đã được di dời vào nơi tránh trú an toàn. UBND huyện đã có thông báo khuyến cáo du khách không tham quan du lịch tại Khu du lịch biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão.

* Tại Bình Đại: Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lê Văn Răng cùng các ban, ngành huyện đã khảo sát một số nơi trọng điểm, bàn kế hoạch, triển khai phương án ứng phó với bão.

Lãnh đạo kiểm tra phòng tránh bão tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Nhân

Lãnh đạo kiểm tra phòng tránh bão tại cảng cá Bình Đại. Ảnh: Minh Nhân

Ông Răng yêu cầu, Đồn Biên phòng Cửa Đại phối hợp với các xã ven biển tìm mọi biện pháp thông báo kịp thời cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi và không di chuyển vào khu vực nguy hiểm để tìm nơi trú ẩn an toàn. Kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt gần bờ không được ra khơi khai thác, thực hiện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi có thông báo mới.

Triển khai cho các xã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực ven biển, cửa sông.

Tổ chức di dời dân cồn Chài Mười, ấp Thới Bình, xã Thới Thuận; cồn Nghêu, xã Thừa Đức; cồn Thới Trung, xã Định Trung và Ấp 5, 6 xã Bình Thắng đến nơi an toàn. Thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 24-11-2018. Cảng cá Bình Đại ngừng hoạt động từ 12 giờ; thông báo các bến phà, đò ngang ngừng hoạt động vào 17 giờ ngày hôm nay.

* Thông tin từ Chi cục Thủy sản, cán bộ chuyên môn đã kịp thời hướng dẫn người dân tôn cao bờ đê, nâng ngư trường lên để đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, đặc biệt hồ nuôi tôm của hộ dân.

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Thương cho biết, Ban Chỉ huy đã triển khai phương án ứng phó bão số 9 đến tất cả các huyện, đặc biệt khu vực ven biển. Các địa phương đang ráo riết thực hiện di dời dân và đảm bảo hạn chế các thiệt hại khi bão xuất hiện.

* Ông Phạm Thanh Trúc - Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết: Vào lúc 9 giờ sáng 24-11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của công ty đã họp triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị điện lực huyện chuẩn bị ứng phó bão số 9. Những vị trí xung yếu đã được kiểm tra, chằng chéo chắc chắn. Các điện lực có phân công trực bão và chủ trương không cúp điện. Các điện lực có phân công trực bão và chủ trương không cúp điện. Chiều ngày 24-11, Ban Chỉ huy Điện lực Miền Nam đã xuống các huyện của tỉnh Bến Tre kiểm tra công tác chuẩn bị phòng tránh bão để có sự chỉ đạo kịp thời.

* Tại Châu Thành: UBND huyện đề nghị chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện phối hợp với các địa phương khẩn trương thông báo cho nhân dân biết và thường xuyên theo dõi tình hình diễn của bão để chủ động ứng phó.

Phân công lực lượng trực cơ quan 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận các thông tin chỉ đạo của cấp trên. Thông báo nghỉ học đến các trường cho đến khi có thông báo mới.

Vận động nhân dân sinh sống ở các khu vực xung yếu ven sông tiến hành sơ tán về nơi tránh trú an toàn trước 16 giờ ngày 24-11.

Thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra, rà soát tất cả các khu vực xung yếu trên địa bàn. Chủ động gia cố an toàn các cống, đập, đê bao có nguy cơ sạt lở cao. Phân công lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kể cả các nhà trọ, trụ sở làm việc và các công trình công cộng khác.

Kiểm tra các bến đò ngang, đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông đường thủy. Kiểm tra nhắc nhở các cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông, có biện pháp chằng chống, neo buộc bảo vệ an toàn và yêu cầu người dân tuyệt đối không được lưu lại các lồng bè khi mưa bão, nước dâng. 

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Công an huyện làm việc cụ thể với các cơ sở du lịch, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh loại hình xuồng chèo về thực hiện phòng tránh, ứng phó với bão, yêu cầu tạm ngừng hoạt động từ 16 giờ ngày 24-11 cho đến khi có thông báo mới.

* Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với bão. Cụ thể, tiến hành kiểm tra, rà soát bổ sung kế hoạch tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, huyện; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là các vùng trọng điểm như các xã ven biển, các cồn trên sông ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Châu Thành.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thống kê, đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động, phối hợp với địa phương sắp xếp tàu thuyền di dời các hộ dân theo phương án của UBND tỉnh, xây dựng các phương án ứng cứu, chi viện kịp thời cho các vùng trọng điểm, nhất là các xã ven biển; kiểm tra chặt chẽ các tàu thuyền tra khơi và kiên quyết xử lý, cấm không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi có thông báo của trên.

Về lực lượng và phương tiện, các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24, các huyện ven biển trực 100% lực lượng thường trực; đồng thời mỗi huyện tăng cường 1 trung đội dân quân cơ động, mỗi xã 1 tiểu đội dân quân cơ động. Riêng 5 xã biển huyện Ba Tri, tăng cường mỗi xã 2 tiểu đội dân quân cơ động. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẵn sàng 1 xe cứu thương và 1 tổ Quân y điều trị cứu chữa người bị nạn, 2 - 3 đội cứu kéo, 6 xe thiết giáp PTR-152, bảo đảm người, nguồn và máy PRC25 cho chỉ huy chỉ đạo trên các hướng…

* Đồn Biên phòng Hàm Luông (Ba Tri) tổ chức tuần tra, kiểm soát cơ động khu vực cửa sông Hàm Luông; tuyên truyên ngăn chặn, nghiêm cấm tàu ra khơi. Qua đó, nhắc nhở 10 phương tiện 115 người quay vào bờ hướng dẫn neo đậu an toàn. Thông báo chủ phương tiện và ngư dân đang hoạt động trên cửa sông nắm diễn biến tình hình của bão. Đồng thời phối hợp với gia đình, chủ tàu và địa phương thông báo kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển biết diễn biến tình hình của bão để chủ động phòng tránh.

* Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với vườn cây trái, người dân khẩn trương xử lý, thu hoạch trái khi có thông tin bão đến. Lưu ý nhất là vùng trồng cây giống, hoa kiểng, người dân cần che chắn, ràng buộc chắc chắn để hạn chế ảnh hưởng do bão gây ra.

Hiện nay, tại vùng lúa - tôm huyện Thạnh Phú, một số nơi đã được người dân đã thu hoạch. Các huyện khác, hầu hết các cánh đồng lúa chưa trổ bông.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN