Cây tu hú có tên khoa học là
Gmelina Asiatica; loài cây này sống khắp mọi miền cả nước, ở Bến Tre có khá
nhiều cây này. Thân, lá, rễ có tính mát; trong Đông y thường dùng làm thuốc gây
nôn, chữa lậu, thông tiểu, đau tai. Ông Hà Văn Đông ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ
Cày Nam thường sử dụng cây tu hú. “Thành Thới B có rất nhiều cây tu hú, người
ta còn trồng nó làm hàng rào, bởi vì nó có gai. Đa phần lấy đoạn có lá non đến
những lá chưa già ngâm nước mát trong khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ là uống được. Để
quá 5 tiếng nó bị hôi. Sau khi ngâm nó ra chất nhớt dễ uống. Tôi có hai thằng
con, hồi nhỏ nó bị bệnh nóng tôi thường cho nó uống nước tu hú, rất hạ nhiệt.
Hơn 15 năm nay, cả nhà sử dụng thân, lá tu hú ngâm uống hàng ngày” - ông Đông
nói.
Nói về những cây lá làm nước uống
giải nhiệt dễ tìm ở Bến Tre, bác sĩ Phạm Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho hay:
Sau nhiều năm nghiên cứu cho thấy, mọi người ai cũng chế biến được rất nhanh, rất
rẻ tiền từ: tu hú, rau má, rễ tranh, thuốc dòi, nha đam… Mỗi thứ chỉ chế biến
riêng, không cần phải 2 - 3 thứ trở lên cộng lại như bài thuốc Nam.
Qua
thực tiễn và các nguồn tài liệu, bác sĩ Hạnh giới thiệu một số nước giải nhiệt như sau: cây thuốc dòi, còn gọi là cây bọ mắm (tên khoa học là
Pouzolzia Acylanica) có tính mát, giải nhiệt. Sắc uống hoặc nấu thành cao để
chữa bệnh ho lâu năm, ho lao, viêm họng; làm thuốc mát, thông tiểu, thông sữa. Dùng
tươi thì xay nhuyển vắt lấy nước uống để mát phổi, nếu nấu chín có vị thơm, uống
rất ngon.
Rễ cỏ tranh (tên khoa học là Rhizoma
Imperatae). Trong rễ cỏ tranh có các chất glucoza, fructoza và axit hữu cơ.
Theo Đông y, rễ tranh có vị ngọt, tính hàn có tác dụng thông tiểu tiện và tẩy
độc cơ thể, giải nhiệt, tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu, bí tiểu, hỗ trợ điều
trị viêm thận cấp.
Cây mía lau (có tên khoa học là
Sacharum Officinanum), thân có đốt chứa nhiều sacaroza, từ 7 - 10%, protein
0,22%, chất béo 0,5% và một số chất khác như: glyxin, arabinoza, glutamin,
guanin, arabinoza… khi dùng bỏ rễ và ngọn. Mía lau có tác dụng tiêu đờm, giải
nhiệt.
Cây mã đề (tên khoa học Plantago
asiatica) có vị ngọt, tính lạnh đi vào các kinh, can, thận và bàng quang; tác
dụng giải nhiệt, chữa đái dắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt,
đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi.
Hoa cúc được xem như một loài thảo
dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người, nhất là giải nhiệt. Dùng hoa
cúc lâu ngày sẽ giúp làm đẹp nhan sắc, kéo dài tuổi thọ… Hoa cúc có vị ngọt,
hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát
gan, làm sáng mắt.
Nha đam giải nhiệt rất tốt. Cách nấu cũng đơn giản: gọt bỏ phần vỏ xanh bên ngoài và lấy phần thịt trắng. Cắt
thịt nha đam thành hạt lựu, sau đó rửa qua nước muối 2 - 3 lần cho nha
đam bớt nhớt và giảm vị đắng, vị hăng. Đun sôi nồi nước, khi nước sôi cho
đường phèn vào nồi nấu tan; thả nha đam vào nồi và nấu tiếp. Nếu nấu 2,5 lít
nước thì có thể cho thêm 3 viên đường nhỏ.
Ngoài ra có thể sử dụng bất kỳ loại
đậu nào để giải nhiệt: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành… Các loại đậu này
đều có tính hàn, giải nhiệt và tiêu độc rất tốt. Cách nấu đậu: rửa
sạch đậu, để ráo rồi cho vào chảo rang, lưu ý không nên rang quá vàng vì đậu dễ
bị biến chất. Khi uống, chỉ cần bỏ vài muỗng đậu đã rang vào ấm trà, đổ nước
sôi vào và uống như nước trà…
Theo ông Phạm Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Y tế, thường xuyên giải
nhiệt cho cơ thể là cách kéo dài tuổi thọ. Tỉnh ta có rất nhiều cây lá có tác dụng
giải nhiệt bảo vệ sức khỏe. Nên mở rộng diện tích vườn thuốc Nam trồng những loại
cây lá có tác dụng giải nhiệt để chế biến thành nước giải khát một cách đơn giản,
hiệu quả cao mà ai cũng làm được. Tuy nhiên không nên lạm dụng mà có hại cho sức
khỏe; cần thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ.