Các mô hình chăm lo cho phụ nữ nghèo ở thành phố

20/01/2014 - 08:24
Chị Hào (phải) đã có thêm thu nhập để trang trải cho gia đình và cùng chồng lo cho con ăn học từ mô hình gia công đũa chưa thành phẩm.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội) TP. Bến Tre hiện có hơn 19 ngàn hội viên thuộc 17 cơ sở Hội. Thời gian qua, Hội đã có nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả trong việc chăm lo, hỗ trợ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

Số hộ nghèo giảm là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các mô hình. Vào cuối năm 2011, toàn hệ thống Hội có 879 hộ gia đình phụ nữ thuộc diện nghèo, sau nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo được các cấp Hội ra sức thực hiện, đến cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 407 hộ.

“Giải mã” một số cách làm của Hội, dù có nhiều phương thức khác nhau được áp dụng nhưng mấu chốt vẫn là sự đồng lòng từ cán bộ đến hội viên. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thôi - Chủ tịch Hội cho biết, Ban Thường vụ Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện khâu đột phá, tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả cuộc vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn TP. Bến Tre.

Đa dạng cách làm

Ngay từ đầu năm 2013, Ban Thường vụ Hội đã triển khai các cấp Hội thi đua thực hành tiết kiệm lập thành tích kỷ kiệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo bền vững”, được 100% cơ sở Hội tích cực hưởng ứng. Kết quả, đã thành lập được 489 tổ tiết kiệm các loại (từ vốn xoay vòng, từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, từ các chương trình dự án, bằng hiện vật, từ hình thức tổ hụi tương trợ, nuôi heo đất…) với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 2,5 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm nêu trên đã giúp hơn 1,4 ngàn phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn, hộ cần vốn để kinh doanh, mua bán nhỏ… với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng (bằng hình thức vay vốn lãi suất thấp với số vốn từ 1 triệu đến 5 triệu đồng/thành viên), giúp các chị em ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.

Ngoài việc thực hiện tiết kiệm theo các mô hình nêu trên, Hội còn vận động cán bộ, hội viên tiết kiệm sử dụng điện, nước, chi tiêu mua sắm, sử dụng vật dụng gia đình… Trong năm 2013, đã thành lập được 31 tổ tiết kiệm điện, 2 tổ tiết kiệm nước (tập trung ở các phường: 6, 7, 8 và các xã Sơn Đông, Phú Hưng), với hơn 500 thành viên tham gia, đã tiết kiệm được từ 30 ngàn đến 100 ngàn đồng/hộ/tháng; đến cuối năm, tổng sổ tiền tiết kiệm điện, nước thu được hơn 48 triệu đồng.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” cũng đã mang lại hiệu quả, trong năm 2013, có hơn 400 trường hợp chị em khá giúp cho hơn 800 chị em gặp khó khăn bằng nhiều hình thức, phổ biến là hỗ trợ vốn, giúp ngày công, cây con giống, bán vật tư, thức ăn gia súc trả chậm... Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm cho hơn 200 hội viên (đan ghế mây, đan giỏ cọng dừa, làm mứt, làm lạp xưởng, giúp việc nhà…); thành lập 39 tổ nghề nghiệp (làm kẹo chuối, làm hoa vải, may công nghiệp…).

Một điển hình

Mô hình gia công đũa chưa thành phẩm của Hội phường 7là một trong những mô hình tuy nhỏ nhưng đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều chị em. Để tìm thêm hướng đi mới góp sức vào công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo tại địa phương, đầu năm 2013, Hội phường 7 đã cùng với Ban vận động khu phố 3 đã tìm đến cơ sở chế biến đũa và nhận đũa chưa thành phẩm về cho bà con quanh khu vực để gia công (tạo hoa văn, gắn giấy, dán keo). Bước đầu thực hiện chỉ có từ 8 đến 10 người tham gia, thu nhập bình quân 50 ngàn đồng/người/ngày. Đến nay, đã có hơn 50 người nhận đũa về gia công, thu nhập bình quân tăng lên từ 70 đến 80 ngàn đồng/ người/ngày.

Chị Nguyễn Thị Hào, ở Tổ 19, là một trong nhiều trường hợp đã thoát nghèo từ sự phấn đấu của gia đình và hỗ trợ của Hội. Chị nhận gia công đũa tại nhà hơn 6 tháng qua. Để góp phần đỡ đần cùng chồng (hiện đang làm bảo vệ) nuôi hai đứa con còn đang tuổi ăn học (lớp 6 và lớp 11), chị đã tranh thủ thời gian sau khi hoàn tất công việc nhà để làm kiếm thêm thu nhập, các con chị vào lúc rảnh rỗi cũng cùng làm giúp mẹ. Đến nay, thu nhập bình quân của chị từ 40 đến 50 ngàn đồng/ngày (tương đương số lượng 500 đến 600 chiếc đũa). Theo chị Hào, các chị em ở đây rất quan tâm công việc và đời sống của nhau, đôn đốc nhau cùng cố gắng làm để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

“Trong năm 2014, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm trong cán bộ, hội viên để tăng số lượng hội viên tham gia các cuộc vận động; đồng thời, đa dạng hóa, duy trì các mô hình tiết kiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng dẫn cách quản lý và sử dụng nguồn tiết kiệm có hiệu quả, ý nghĩa. Việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển, giúp nhau giảm nghèo bền vững cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động năm 2014 của Hội” - chị Nguyễn Thị Ngọc Thôi cho biết.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN