Các thành viên AUKUS xem xét một thỏa thuận an ninh với Nhật Bản

10/04/2024 - 15:52

Mỹ, Anh và Australia đang thu hút các đối tác quốc phòng gia nhập liên minh để đảm bảo ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại cuộc họp báo chung ở căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California, Mỹ ngày 13-3-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại cuộc họp báo chung ở căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, California, Mỹ ngày 13-3-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh truyền hình RT, Nhật Bản có thể sớm đạt được một thoả thuận an ninh cùng Mỹ, Anh và Australia nhằm tạo điều kiện chuyển giao công nghệ quân sự trong các lĩnh vực bao gồm chiến tranh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, phương tiện không người lái dưới biển và năng lực siêu vượt âm.

Tháng 9-2021, Nhà Trắng đăng tải thông cáo chung thành lập liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ. Dự án đầu tiên của AUKUS là Mỹ, Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Australia chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm. Sau dự án đầu tiên, dự án thứ 2 của AUKUS là một thoả thuận an ninh hướng tới việc chia sẻ mở rộng hơn. Các thành viên AUKUS đánh giá dự án này có khả năng thu hút các quốc gia khác.

"Nhận thấy sức mạnh của Nhật Bản và quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ với cả ba nước, chúng tôi đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án nâng cao năng lực thuộc Trụ cột II của AUKUS", tuyên bố chung AUKUS công bố ngày 8-4 nêu rõ.

Tuy nhiên, cùng ngày, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định AUKUS sẽ vẫn là một liên minh ba bên và Nhật Bản không phải là thành viên chính thức mới.

Trong khi đó, dự kiến trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thảo luận về vai trò của Tokyo trong liên minh.

Các đối tác của AUKUS khẳng định khối này không phải là một liên minh quân sự chính thức và chỉ tập trung vào việc chia sẻ công nghệ. Trong tuyên bố mới nhất, họ một lần nữa khẳng định mục tiêu của liên minh này là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và thịnh vượng.

Về phần mình, Trung Quốc chỉ trích dự án mới của AUKUS là nỗ lực xây dựng “phiên bản NATO ở châu Á - Thái Bình Dương”, cảnh báo dự án mới có thể khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo một bài viết gần đây của tạp chí Politico, liên minh AUKUS có thể được mở rộng vào cuối năm nay không chỉ bao gồm Nhật Bản mà còn cả Canada. Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc cũng được coi là những ứng viên tiềm năng.

Theo một quan chức ngoại giao của Mỹ, Nhà Trắng đang cố gắng đẩy nhanh kết nạp Canada và Nhật Bản trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ. Trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Anh và Australia vào năm tới, hai nước này cũng ủng hộ kế hoạch mở rộng thành viên của Mỹ.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN