Cách thoát nghèo của nông dân Bình Đại

25/02/2014 - 18:00

Ở Bình Đại, có vợ chồng anh Trương Thành Phường và chị Nguyễn Thị Lệ Uyên (ấp Giồng Kiến, xã Phú Long) bị bại liệt từ nhỏ (anh Phường bị bại liệt một tay, chị Uyên bị bại liệt hai chân) đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được gia đình cho 1.000m2 đất giồng cát, anh chị quyết tâm thực hiện mô hình trồng màu. Ban đầu anh chị trồng 500m2 hoa màu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất, chất lượng cao, cho thu nhập bình quân hàng tháng đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, anh chị mở rộng diện tích trồng lên 900m2. Nhờ bản tính cần cù, chăm chỉ cộng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả nên hoa màu cho năng suất cao, bình quân mỗi tháng lãi được 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng thời gian nhàn rỗi để sửa xe đạp, bình quân mỗi tháng tăng thêm thu nhập trên 1,5 triệu đồng. Năm 2011, anh chị được chương trình “Lục lạc vàng” LASTA hỗ trợ 2 con bò cái giống, đến nay đã nâng tổng đàn lên 4 con, trị giá khoảng 100 triệu đồng.

Mô hình được tỉnh công nhận là mô hình dân vận khéo về công tác giảm nghèo, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cần quan tâm nhân rộng là mô hình của gia đình ông Nguyễn Văn Lập ở xã Vang Quới Tây. Với 500m2 đất ruộng, qua nhiều năm trồng lúa và làm thuê để mưu sinh, cuộc sống gia đình ông Lập rất khó khăn, trong khi đó phải nuôi 2 đứa con đi học. Đầu năm 2004, ông trồng cà chua trên đất ruộng, cà cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm trồng 2 vụ, mỗi vụ lãi gần 15 triệu đồng. Đến năm 2006, ông bị bệnh nặng phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) gần một năm, nợ tiền trị bệnh gần 60 triệu đồng. Khi lành bệnh trở về, với bản chất cần cù, để có tiền trả nợ và tiếp tục cho con đi học, vợ chồng ông thuê thêm 1.000m2 đất liền kề để thâm canh cây cà chua. Nhờ biết ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, vụ nào thu hoạch cũng có lãi từ 40-50 triệu đồng. Qua 3 năm sản xuất, ông trả xong nợ và xây dựng được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi trị giá gần 150 triệu đồng, hai người con học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.  

Ông Trần Văn Đặng ở ấp Bình Chiến (thị trấn Bình Đại) là gia đình nghèo. Năm ông 36 tuổi thì vợ mất, để lại 7 người con trong độ tuổi ăn học, kinh tế gia đình rất khó khăn, tài sản chỉ có 1ha đất lúa một vụ, năng suất bấp bênh. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững, không ngại khó khăn gian khổ, ông Đặng canh tác lúa và làm thuê để có tiền nuôi 6 người con ăn học. Ngoài ra, ông còn chăm sóc mẹ già chu đáo. Dần dần các con đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng từ đây, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người cha trong gia đình, người con hiếu thảo với mẹ già.

Ngoài những điển hình tiêu biểu nêu trên, Bình Đại còn nhiều nông dân từ sức mạnh ý chí đã vươn lên thoát nghèo bền vững, như: ông Nguyễn Văn Sơn (xã Định Trung), Nguyễn Văn Oanh (xã Phú Long), Phan Thị Vân (xã Thạnh Trị), Phan Thị Nhí (Thạnh Phước),… Những điển hình tiêu biểu đã giúp huyện nhân rộng mô hình vượt khó thoát nghèo khắp các xã, thị trấn, góp phần quan trọng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,7% năm 2011 xuống 10,31% theo chuẩn mới.

Công Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN