Cái Mơn - nghề sản xuất chậu kiểng ổn định việc làm cho hàng trăm lao động

13/12/2010 - 08:12
Quay chậu bằng phương pháp ly tâm. Ảnh: Tr.Q

Theo bà Đinh Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (Chợ Lách), hiện xã có 12 làng nghề truyền thống, 1 hợp tác xã, 1 câu lạc bộ, chuyên sản xuất cây giống, hoa kiểng. Nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng phát triển nhanh, đa dạng về chủng loại, chất lượng sản phẩm nâng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng. Trong năm 2010, toàn xã đã sản xuất 7 triệu sản phẩm cây giống và hoa kiểng, trong đó hoa kiểng gần 4 triệu sản phẩm, chủ lực vẫn là mai vàng. Hoa kiểng Cái Mơn được tiêu thụ theo chiều hướng ngày càng rộng, mạnh và theo đó hơn 100 hộ dân làm nghề quay chậu kiểng ở đây cũng khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất chậu ở ấp Vĩnh Phú, nơi có khoảng 20 hộ gia đình chuyên sản xuất chậu kiểng cho rằng, trong những năm gần đây, đời sống của con người không ngừng cải thiện, nhu cầu hưởng thụ tinh thần ngày một cao. Nhiều người đã chọn những chậu kiểng đặt vào vị trí thích hợp trong khu nhà để làm thú tiêu khiển. Nhằm thỏa mãn phần nào nhu cầu hưởng thụ của người tiêu dùng, nghệ nhân sản xuất hoa kiểng không ngừng thay đổi mẫu mã, nâng cao giá trị cây kiểng, trong đó có việc chọn những chậu kiểng có kiểu dáng, kích cỡ tương xứng. Chính điều này, ở làng nghề hoa kiểng Cái Mơn đã có sự phân công phần việc khá cụ thể. Ngày càng thêm nhiều hộ chuyên quay chậu để bán cho người sản xuất hoa kiểng. Theo ông Tuấn, nghề quay chậu kiểng phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. Thị trường tiêu thụ chậu kiểng của Cái Mơn không còn bó hẹp trong phạm vi huyện mà là đầu mối cung cấp cho người sản xuất hoa kiểng của nhiều tỉnh trong khu vực.

Ông Tuấn nói: Các anh em tôi không biết gì về công việc quay chậu, phải sang Tiền Giang, Vũng Tàu làm thuê vừa kiếm tiền vừa học nghề. Làm thuê được vài năm, tay nghề thạo, trở về quê nhà mở cơ sở quay chậu. Người làm công việc quay chậu phải cần cù và tỉ mỉ. Từ các nguyên liệu cát, đá mi, xi-măng, bàn tay khéo léo của con người đã đúc thành những chậu kiểng xinh xắn, với các kiểu dáng như chậu tròn, hình trái bần, hình lục giác.

Chậu kiểng Cái Mơn được thị trường chấp nhận, số lượng tiêu thụ không ngừng tăng. Có hộ mỗi năm sản xuất 20.000 chậu kiểng để cung cấp cho khách hàng. Các thành viên trong gia đình không sản xuất đủ số lượng, phải thuê thêm từ 4 - 5 lao động. Nghề quay chậu đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Người quay chậu được trả tiền công từ 1,8 - 1,9 triệu đồng/người/tháng và được bao cơm. Tuy thuê tháng, nhưng các cơ sở vẫn khoán sản phẩm. Cụ thể, đối với chậu đường kính 0,3m, người làm thuê quay 50 chậu tương ứng một ngày công lao động, chậu đường kính 1,2m quay 3 chậu/ngày. Công việc quay chậu làm suốt cả năm. Hầu hết, người làm chậu ở Cái Mơn áp dụng phương pháp quay ly tâm. Chậu quay xong được đem phơi nắng và sơn để tăng độ bền. Chậu kiểng được tiêu thụ suốt năm, nhưng tập trung nhất vẫn là từ tháng 10 - 12 âl; bởi đây là thời điểm người sản xuất kiểng cho cây vào chậu, chăm sóc, tạo dáng để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Ngay thời điểm này, thị trường tiêu thụ hoa kiểng “nóng” dần lên và thị trường tiêu thụ chậu cũng nhộn nhịp không kém. Chậu kiểng có đường kính đa dạng, từ 0,25m - 1,2m, giá bán từ 8.000 - 100.000 đồng/chậu. Hầu hết, các ấp thuộc xã Vĩnh Thành đều có cơ sở sản xuất chậu, nhưng tập trung nhiều ở các ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Hiệp, Đông Nam, Vĩnh Chính. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, ở Cái Mơn, ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất chậu, đã cạnh tranh về giá, trong khi đó giá nguyên liệu để sản xuất chậu liên tục tăng, lợi nhuận giảm so với trước đây, nhưng nhờ tiêu thụ được số lượng lớn, trung bình mỗi năm lợi nhuận của mỗi cơ sở sản xuất vẫn còn ở mức vài chục triệu đồng. Nghề quay chậu đồng hành cùng sản xuất kiểng truyền thống, góp phần quan trọng trong giúp người dân Cái Mơn cải thiện cuộc sống.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN