Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

05/12/2022 - 05:39

BDK - Năm 2022, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của các ngành, các cấp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi khá tốt và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.

Triển khai giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận và Khu tái định cư Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại). Ảnh: Cẩm Trúc

Triển khai giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận và Khu tái định cư Khu công nghiệp Phú Thuận (Bình Đại). Ảnh: Cẩm Trúc

Cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh

Tỉnh tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ pháp lý. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Trung tâm đã thực hiện việc tiếp nhận và trả hồ sơ của 16 sở, ban, ngành tỉnh, gồm: Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Công tác hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) được tập trung hỗ trợ thông qua đầu mối Tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để hỗ trợ các dịch vụ trước, trong và sau cấp phép cho DN. Trong năm 2022, tổ đã tiếp nhận và trực tiếp hỗ trợ 60 dự án về các hồ sơ, thủ tục có liên quan (trong đó, hỗ trợ trọn gói cho 15 dự án từ khâu tìm hiểu, xin chủ trương đầu tư và triển khai các công việc có liên quan sau giấy phép đến khi đi vào hoạt động chính thức). Việc cập nhật thông tin, thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, thông tin quản lý hồ sơ doanh nghiệp được thực hiện dựa trên những tiêu chí như: cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, ngành nghề kinh doanh, mã số DN... giúp giảm thiểu thời gian cho DN, nhà đầu tư.

Tỉnh đã tiếp và làm việc với 255 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư, đạt 127,5% kế hoạch năm; hỗ trợ 1.800 lượt NĐT về các thủ tục đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư sau khi được cấp chủ trương đầu tư, đạt 112,5% kế hoạch năm, tăng 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thu hút được 3.389,06 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, bằng 48,82% so với cùng kỳ, đạt 42,36% kế hoạch năm; trong đó cấp mới 12 dự án, vốn đăng ký 3.013,15 tỷ đồng, điều chỉnh 23 dự án; thu hồi/chấm dứt 5 dự án. Lũy kế tỉnh có 272 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 63.638,63 tỷ đồng.

Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), cấp mới 1 dự án, với vốn đăng ký 1,08 triệu USD; cấp điều chỉnh 23 dự án, trong đó 1 dự án giảm 445 ngàn USD. Lũy kế toàn tỉnh có 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.624,94 triệu USD. Các DN FDI đã cơ bản phục hồi và hoạt động ổn định, vốn giải ngân ước đạt khoảng 40,06 triệu USD, bằng 29,59% so với cùng kỳ, đạt 182,09% kế hoạch. Tổng số lao động làm việc tại các DN FDI khoảng 35 ngàn người (kể cả trong và ngoài khu công nghiệp).

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được quan tâm, thực hiện khá hiệu quả. 80% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh (www.bentre.gov.vn); các cổng thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cổng DVCTT của tỉnh (https://dichvucongbentre.gov.vn). Các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng và nhà nước được tập trung tuyên truyền, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo được tính kết nối, liên thông. Đồng thời, đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tích hợp đồng bộ các DVCTT của tỉnh đang cung cấp lên cổng DVC quốc gia.

 Ngoài ra, tỉnh còn tập trung chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính và tăng cường sử dụng cổng DVCTT nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và DN trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục

Các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư - kinh doanh được rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện. Các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện/thành phố đã tiến hành rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa; bố trí cán bộ có trình độ và năng lực hướng dẫn, hỗ trợ DN; niêm yết công khai phí, lệ phí để DN biết và thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương thực hiện thủ tục hành chính tại một đầu mối, hạn chế DN đi lại nhiều lần.

Sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ảnh: PV

Sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Ảnh: PV

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được tập trung thực hiện. Kết quả đánh giá các chỉ số năm 2021 của tỉnh: Chỉ số CCHC 2021, Bến Tre đạt hạng 37/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, các chỉ số khác có sự sụt giảm đáng kể. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh/thành, giảm 10 bậc, thuộc nhóm điều hành khá. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 56, giảm 48 bậc. Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp vị trí 26/63 tỉnh thành, giảm 6 bậc.

Trong năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã tiếp nhận 51.266 hồ sơ, số hồ sơ đã giải quyết đạt 95,63% . Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai xây dựng phương pháp khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cloud bằng Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh (DDCI) tỉnh năm 2021 để đánh giá hiệu quả triển khai của các đơn vị, tìm ra hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh và những năm tiếp theo.

Năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và phát triển. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư. Số DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ. Các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ pháp lý cho DN; hỗ trợ DN, hộ kinh doanh được triển khai thực hiện khá tốt. Du lịch đã phục hồi, lượng khách và doanh thu tăng mạnh. Dư nợ tín dụng tăng trưởng cao. Hoạt động khoa học công nghệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Không gian Đổi mới sáng tạo Mekong ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong DN thông qua liên kết hợp tác, thu hút phát triển khởi nghiệp công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

(Còn tiếp)

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích