Cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân

03/03/2023 - 05:40

BDK - Sau 1 năm thực hiện Đề án số 8402/ĐA-UBND thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã có nhiều nỗ lực bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản và cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân.

Mô hình chăn nuôi bò giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo cải thiện thu nhập.

Mô hình chăn nuôi bò giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo cải thiện thu nhập.

Đạt vượt nhiều chỉ tiêu

Một trong những mục tiêu của Đề án số 8402/ĐA-UBND thí điểm về đảm bảo ASXH tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án) là bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản và cải thiện mức sống tối thiểu cho người dân. Trong đó, có tập trung nhóm gia đình chính sách, người có công với cách mạng và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.

Đề án có 2 nhóm chỉ tiêu lớn, chia làm 38 chỉ tiêu nhỏ. Sau 1 năm thực hiện, có 10 chỉ tiêu vượt, 22 chỉ tiêu đạt và 6 chỉ tiêu chưa đạt. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện mức sống cho người dân. Cụ thể, đầu năm 2022, tỉnh có 88 hộ nghèo (số hộ này có thành viên là người có công với cách mạng), trong đó, 66 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội và 22 hộ có khả năng thoát nghèo vào cuối năm 2022. Ngoài việc thực hiện chính sách theo quy định, các huyện, thành phố còn vận động nguồn lực để hỗ trợ những hộ này như: nhận đỡ đầu 25 hộ nghèo người có công thuộc diện bảo trợ xã hội (hỗ trợ quà, tiền mặt...), tạo điều kiện cho hộ có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình với dân trên địa bàn.

Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, đã giải quyết trợ cấp mới cho 7.755 người, nâng tổng số người hưởng trợ cấp hiện nay 59.366 người, kinh phí trên 180 tỷ đồng. Đối với việc tham mưu ban hành chính sách đặc thù riêng của tỉnh hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn đảm bảo ASXH, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7-10-2022 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo ASXH. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đã vận động trên 600 tỷ đồng để thực hiện công tác ASXH. Trong đó, có việc vận động 1 ngày lương “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, tổng kinh phí trên 787 triệu đồng để hỗ trợ cho người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; vận động các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng, sửa chữa 392 căn nhà tình nghĩa; 712 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà nhân ái. Cấp 44.490 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người cao tuổi chưa có thẻ BHYT...

Bài học kinh nghiệm

Với sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp nên kết quả thực hiện một số chính sách ASXH đạt được một số kết quả nhất định. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án được các ngành, các cấp triển khai thực hiện tốt, quy mô trường, lớp học đạt mục tiêu đề ra, kết quả phổ cập giáo dục đạt tỷ lệ cao, xã hội hóa công tác giáo dục ngày càng được phát triển.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn từng lúc đã phát huy hiệu quả và đảm bảo duy trì hoạt động bền vững. Tình hình hạn mặn được kiểm soát, các giải pháp ứng phó được triển khai đồng bộ, hiệu quả và quy tụ được sức mạnh của toàn xã hội. 100% hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Năng lực và khả năng ứng phó dịch bệnh được nâng lên. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và các hộ gia đình nghèo được thực hiện kịp thời.

Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ. Chính sách xã hội phải được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN