Cam chịu không phải là cách giải quyết

07/08/2009 - 13:46

Hành vi của anh Hoàng đánh vợ (tình huống “chứng nào tật nấy”,  báo Đồng Khởi số 2502 ra ngày 24-7-2009) là một hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Việc vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý hành chính hoặc nặng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn sự thờ ơ của xã hội (hàng xóm xem đó như là chuyện riêng) như là một sự ngầm cho phép hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn (họ không chê trách người chồng và không bảo vệ người vợ). Cộng đồng gần như chấp thuận bạo lực để giải quyết xung đột. Đây là một quan điểm sai trái cần được khắc phục và cộng đồng xã hội, mà trước tiên là những người thân trong gia đình, hàng xóm, khu dân cư, chính quyền cơ sở... phải cùng chung sức để tham gia phòng chống nạn bạo lực trong gia đình.

Hai đứa con phải chứng kiến cảnh bạo lực của người cha đối với mẹ như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hình thành nhân cách trong tương lai. Con trai có thể sẽ bị ảnh hưởng của người cha, lớn lên khi có vợ sẽ đánh vợ mình. Còn con gái có thể sẽ ảnh hưởng đến người mẹ có tính cam chịu, mất tự tin, sợ hãi...

Rượu chè say xỉn là một trong những nguy cơ dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, khi anh Hoàng có uống  rượu say, anh vẫn đối xử đàng hoàng, tử tế với mọi người xung quanh, mà chỉ chửi mắng đánh đập vợ mình. Như vậy, rượu không phải là nguyên nhân chính, mà nguồn gốc sâu xa của tình huống bạo lực này là do quan niệm bất bình đẳng giới, tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Sự cam chịu của người vợ thực chất không phải là một giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình, tệ hại hơn, nó chính là nguyên nhân làm cho tình trạng bạo lực gia đình tiếp diễn.

LÊ KIÊN NHẪN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN