Cần bổ sung “việc làm” vào các dịch vụ xã hội thiết yếu trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

12/11/2023 - 10:51

BDK.VN - Ngày 10-11-2023, tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham gia thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng tình cao đối với sự cần thiết phải sớm sửa đổi Luật Thủ đô.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều 10-11-2023.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều 10-11-2023.

Sau hơn 10 năm thực hiện thì việc sửa đổi Luật Thủ đô giúp tăng cường phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ hơn, để chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền giải quyết những công việc, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Tham gia thảo luận, đại biểu quan tâm góp ý các vấn đề, về tổ chức chính quyền tại TP. Hà Nội, tại khoản 2, Điều 8 dự thảo Luật nêu: “Chính quyền địa phương ở các phường tại TP. Hà Nội là UBND phường”. Đại biểu cho rằng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Sau gần hai năm thực hiện mô hình chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường thì đến giờ này kết quả triển khai thực hiện như thế nào chưa có đánh giá, nay lại đưa vào quy định hẳn trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khi kết quả thí điểm chưa rõ nên đại biểu đề nghị cần cung cấp thêm thông tin về mô hình thí điểm này để đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét.

 Về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật, TP. Hà Nội là một trong chín địa phương ban hành chuẩn hộ nghèo cao hơn so với chuẩn nghèo của quốc gia được ban hành tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Tại Hà Nội, tiêu chí thu nhập hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 2.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị: 2.500.000 đồng/người/tháng, cao hơn 500.000 đồng/người/ tháng ở các khu vực khác theo chuẩn chung của quốc gia. Do vậy, quy định về chính sách an sinh xã hội của Thủ đô ở Điều 28 đối tượng sẽ rộng hơn rất nhiều so với các nơi khác. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật, đại biểu thấy có các vấn đề cần góp ý.

Tại khoản 1, Điều 28 có quy định: “TP. Hà Nội có trách nhiệm xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; phù hợp với từng nhóm đối tượng và khả năng ngân sách địa phương của TP. Hà Nội. Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, nước sạch, nhà ở xã hội, tiếp cận thông tin”. Đại biểu cho rằng dự thảo liệt kê hàng loạt dịch vụ xã hội nhưng một dịch vụ rất quan trọng, mang tính chiến lược là việc làm thì chưa được đề cập đến. Việc làm để có thu nhập ổn định, để đảm bảo cuộc sống nên cần thiết hơn. Vì vậy, đề nghị bổ sung từ “việc làm” vào các dịch vụ xã hội thiết yếu được liệt kê tại khoản 1, Điều 28 cho đầy đủ, làm cơ sở cho TP. Hà Nội quyết định các chính sách để giải quyết việc làm.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 28, dự thảo Luật quy định HĐND TP. Hà Nội quyết định các chính sách xã hội sau đây: “Việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên. Trường hợp không bố trí được đất sản xuất thì hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để quy định cho thống nhất. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm trong trường hợp không bố trí được đất sản xuất để dễ triển khai thực hiện trong thực tiễn.

 Tại khoản 3, Điều 28, dự thảo Luật quy định HĐND TP. Hà Nội quyết định các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sau đây:

“a) Hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo;

b) Hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô. Kinh phí thực hiện việc khám sức khỏe được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của TP. Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp”

 Đại biểu cho rằng quy định hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên là một chính sách rất tiến bộ của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, đối với quy định nhóm phụ nữ thuộc hộ nghèo cũng thuộc nhóm hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế thì đại biểu cho rằng quy định này là thừa vì nếu thuộc hộ nghèo thì đã có bảo hiểm y tế. Đối với nội dung nêu hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi có thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội, đại biểu thấy chưa phù hợp, chưa tương thích, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của Luật Người cao tuổi. Việc chăm sóc đời sống về vật chất, tinh thần đối với người cao tuổi được Luật Người cao tuổi quy định rất nhiều nội dung, còn ở đây chỉ có khám sức khỏe và chỉ dành cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Hà Nội, còn những người cao tuổi khác mà tạm trú hoặc là ở trên địa bàn thì như thế nào. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để nếu liệt kê thì cho đầy đủ, không thiếu cũng không trùng lặp đối tượng, còn không thì nên quy định mang tính nguyên tắc, tính khung để đảm bảo tương thích với các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị TP. Hà Nội cần bổ sung đánh giá tác động và làm rõ nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn để đảm bảo tính khả thi của Luật sau khi được ban hành.

Về trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và Nhân dân TP.  Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước”.Đại biểu cho rằng quy định nêu trên chưa đầy đủ, vì ngoài chính quyền các cấp thì việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô còn là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của Đảng bộ, MTTQ, đoàn thể các cấp. Do đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng “Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của hệ thống chính trị các cấp và Nhân dân thành phố Hà Nội;…” cho đầy đủ.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN