
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu thảo luận.
Thứ nhất, về hạn chế, bất cập trong xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đại biểu, qua báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho thấy công tác xây dựng chương trình vẫn còn nhiều tồn tại chưa khắc phục triệt để như: “hồ sơ một số đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu; việc gửi hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; tính gối đầu của chương trình cho năm tiếp theo còn thấp, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH)”. Hay tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 có nêu “một số cơ quan, tổ chức trình dự án luật chưa tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật tại khoản 2, Điều 64 và Điều 69 trong việc gửi hồ sơ của các dự án để thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; cũng như đánh giá lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng pháp luật; ¾ địa phương được giám sát còn thiếu số liệu để đánh giá về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật”.
Những hạn chế nêu trên tồn tại nhiều năm qua và hầu như năm nào cũng được đề cập đến. Ngoài nguyên nhân được phân tích tại Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm mổ xẻ, phân tích rõ nguyên nhân một cách thẳng thắn và tìm giải pháp khắc phục triệt để cho các hạn chế này. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân có phải là do trình tự, điều kiện, thủ tục thời gian trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa hợp lý, hay do năng lực đội ngũ cán bộ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, các điều kiện xây dựng chính sách pháp luật chưa đảm bảo hay một nguyên nhân nào khác. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì các dự án Luật, Pháp lệnh, kịp thời thông tin đến các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi về tình hình chuẩn bị dự án, những vấn đề lớn đang đặt ra, khả năng đáp ứng tiến độ, sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, tiếp thu hoàn thiện các dự án Luật, Pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Thứ hai, về chương trình xây dựng pháp luật 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, qua giám sát cũng đã nhận diện nhiều vấn đề tồn tại hạn chế và đề xuất 3 nhóm giải pháp khắc phục đó là: nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về nguồn lực; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và có nhiều kiến nghị với các Bộ ngành có liên quan: Bộ Y tế; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Bộ ngành khác và các địa phương trong tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Theo Báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 24 vụ với 835 người ngộ độc thực phẩm, 3 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian gần đây. Nhìn thẳng vào vấn đề có thể nói công tác an toàn thực phẩm hiện nay chỉ quản lý cái ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc.
Trong sản xuất công nghiệp, công tác quản lý thành phẩm tương đối thuận lợi hơn, tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, nhất là trong quy trình đăng ký, kiểm tra, giám sát sản phẩm, bảo quản,… Riêng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất phát từ đặc thù nông nghiệp nước ta tự sản, tự tiêu là chính, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, đây chính là vấn đề khó trong khâu quản lý. Người sản xuất nông nghiệp so với doanh nghiệp trong công nghiệp đều thuộc đối tượng yếu thế nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn trong số hộ gia đình sản xuất trên cả nước. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn. Bởi, trong sản xuất tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh tác động trực tiếp đến sản phẩm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng hóa chất và các loại thuốc bảo vệ thực vật, nên cần có chính sách khuyến khích đầu tư để sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều giải pháp cần được tháo gỡ.
Đại biểu cho rằng, Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010, đến nay đã hơn 14 thực hiện, nhiều vấn đề đặt ra cần phải được khắc phục hạn chế, bất cập trong an toàn thực phẩm hiện nay phù hợp với tình hình thực tế. Đối chiếu với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, trong đó Luật An toàn thực phẩm đề nghị trình Quốc hội năm 2022 nhưng đến nay Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2025 và điều chỉnh 2024 chưa thấy có nội dung này. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian sớm nhất.
Tin, ảnh: Kim Hoa