Cần bước “chuyển mình” mạnh hơn

22/01/2016 - 14:59

Nhiệm vụ hàng đầu

Văn kiện Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đưa việc “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển” ở vị trí đầu trong 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ 2015-2020.

So với Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm vụ “Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân” đứng hàng thứ 2, sau “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” và Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2005-2010, “Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả” đứng thứ 3, sau “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp” và “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ”, thì có thể khẳng định rằng, đây là sự thay đổi rõ nét về mặt tư duy. Dĩ nhiên các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong từng giai đoạn phát triển đều quan trọng như nhau, dù xếp ở vị trí nào, thì cũng cần tập trung thực hiện.

Xét về cơ cấu kinh tế tỉnh nhà thời gian qua, hiện chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (khu vực I - KV I) và thương mại - dịch vụ (khu vực II - KV II), giảm dần nông - ngư nghiệp (khu vực III - KV III), nhưng đến cuối 2015, KV I chiếm 42,4% - KV II 21,8% - KV III 35,8% (xem biểu đồ).

Nhìn lại 10 năm, thời điểm 2005 (KV I là 58,11% - KV II 17,62% - KV III 24,27%) và năm 2010 (KV I 45,66% - KV II 18,57% - KV III 35,77%) cho thấy, tỷ trọng KV I có giảm nhưng chậm, còn xa mục tiêu đề ra (giảm gần 16% trong 10 năm), trong khi KV II được xem là “khâu đột phá” nhưng tăng không nhiều (chưa tới 4%). Đồng thời, kế hoạch đến năm 2020, KV I 32% - KV III 22,5% - KV III 41,5% và thuế sản phẩm 4%, thì nền kinh tế của tỉnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Do vậy, định hướng phát triển giai đoạn 2015-2020, việc đặt KV I trước KV II và KV III là phù hợp với thực tế khách quan, ngành Nông nghiệp được “trả về” đúng vị trí, vai trò của nó trong nền kinh tế tỉnh nhà. Chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nên việc thành công hay thất bại của ngành Nông nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân, tác động các chính sách an sinh xã hội cũng như việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án nông nghiệp. Nổi bật là đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thay đổi từ tư duy

Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là sản xuất chưa chủ động, còn phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện tự nhiên nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển và kinh tế vườn; nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” còn nhiều khó khăn; sản phẩm hiệu quả chưa cao; thị trường tiêu thụ và giá cả hàng nông sản thiếu ổn định... với các nguy cơ rình rập như: mặn xâm nhập, sâu rầy, chuột gây hại trên cây lúa; dịch bệnh trong nuôi tôm; giá mía và muối sụt giảm. Đáng quan ngại là đối với một số sản phẩm tỉnh có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh lớn nhưng vẫn không thể “một mình một chợ”. Cụ thể như cây dừa, diện tích trên 68 ngàn héc-ta, sản lượng khoảng 560 triệu trái, chiếm trên 80% sản lượng dừa cả nước, nhưng giá cả dao động biên độ lớn (từ 3,5 - 7,5 ngàn đồng/trái), hay như một vài loại cây ăn trái, thì tình trạng “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa” vẫn luôn ám ảnh người nông dân.

Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, đã được các nhà quản lý, chuyên môn, doanh nghiệp và người nông dân đánh giá dựa trên cơ sở khoa học, cả chủ quan và khách quan. Tất nhiên là cần loại ra những yếu tố thuộc về “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, đâu phải cứ “mất mùa là bởi thiên tai”, không thể phát triển bền vững nếu cứ dựa vào “may rủi”. Cần hiểu rằng, hội đủ các điều kiện tốt, như tiềm năng lớn, cơ chế chính sách phù hợp, nhưng với lực lượng “an phận thủ thường” quanh năm chân lấm tay bùn thì biết bao giờ mới có được một nền nông nghiệp hùng mạnh. Ở lĩnh vực có tính “đỏng đảnh” như nông nghiệp, đòi hỏi các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ phải luôn ở thế chủ động, nếu không sẽ rơi vào yếu thế trong cạnh tranh thị trường, sản xuất bị động, hiệu quả thấp.

Trong phát biểu chỉ đạo Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý rằng, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh còn lúng túng, phát triển nhưng chưa bền vững. Sự lúng túng ở đây có lẽ không dứt khoát về nhận thức, để nông dân làm ăn hiệu quả cao hơn, làm giàu thì phải dứt khoát từ bỏ mô hình sản xuất hộ cá thể riêng lẻ, không liên kết, mà phải chuyển sang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thoát nghèo, làm giàu thì chính các hộ nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm ăn, tự tổ chức lại sản xuất của mình, tự làm chủ cuộc sống của mình nhưng không mất đi kinh tế hộ của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu.

Với một nền nông nghiệp lâu đời có tính “cha truyền con nối”; thực trạng manh mún, nhỏ lẻ từ tách hộ “ra riêng”; tập quán sinh hoạt và sản xuất đã định hình, quan niệm “nát vỏ còn bờ tre” trong một bộ phận nông dân... thì việc thay đổi tư duy không thể một sớm một chiều. GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định, sự nghèo nàn của nông dân là do tư duy của mọi thành phần tham gia, từ bản thân người nông dân đến doanh nghiệp và Nhà nước. Qua đó chứng tỏ, sự thay đổi về mặt tư duy trên lĩnh vực nông nghiệp trở thành yêu cầu cần kíp đối với các chủ thể liên quan.

Quyết tâm và kỳ vọng

Mục tiêu giai đoạn 2015-2020, giá trị KV I của tỉnh tăng bình quân 4%/năm hoàn toàn khả thi. Nhưng quan trọng hơn hết là khắc phục cho được các hạn chế “thâm căn cố đế” về mặt tư duy để đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại “an toàn - bền vững - hiệu quả”.

Biểu đồ: Cơ cấu kinh tế tỉnh nhà đến cuối năm 2015, nông nghiệp - ngư nghiệp (KV I) chiếm tỷ trọng lớn so với công nghiệp - xây dựng (KV II) và thương mại - dịch vụ (KV III).


Tại hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai, quán triệt Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã phân tích, làm rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 110 đầu công việc cụ thể cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020, riêng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, có 15 đầu việc. Cùng với xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thì yêu cầu thay đổi về mặt nhận thức được nhấn mạnh, thể hiện qua việc vận động nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang cây có giá trị kinh tế cao hơn. Trên cơ sở đó để thực hiện chương trình phát triển ngành dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới...

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội cùng với thách thức, rủi ro cho ngành Nông nghiệp. Thời gian không cho phép chúng ta “thả mồi bắt bóng” loay hoay câu hỏi “trồng cây gì? nuôi con gì?” để rồi “đến mùa... lại lo”. Khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người nông dân phải hiện thực hóa, bằng quyết tâm và nghị lực để tạo nên “bước chuyển” mạnh mẽ ngay trên chính mảnh đất của mình.

Tóm lại, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã có, cùng với các “lời giải” được đưa ra ở hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức tại TP. Bến Tre vào đầu tháng 12-2015, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng vào sự thành công trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Ka Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN