Cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chính sách về tín dụng 

05/06/2024 - 12:48

BDK.VN - Sáng 5-6-2024, tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Qua nghiên cứu Báo cáo số 118/BC-BCT ngày 27-5-2024 của Bộ Công Thương về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo đại biểu, hiện nay tình hình xuất khẩu của Việt Nam rất khả quan và xu hướng trong năm 2024 đến năm 2025 sẽ phát triển rất tốt, nhất là thị trường FTA rất rộng. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp (DN), đại biểu nhận thấy còn rất nhiều khó khăn như: Thị trường Châu Âu giá đồng đô la cao hơn Euro, chi phí vận tải biển không ổn định, cao bất thường; một số quốc gia xuất khẩu nông sản như Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh, gây cạnh tranh bất lợi cho hàng nông sản (nhất là thủy sản, sản phẩm dừa); lãi suất vay cho DN xuất khẩu cũng chưa khác biệt. Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những giải pháp nào để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, nhất là chính sách về tín dụng? Đại biểu đề xuất nên có chính sách đặc thù cho những DN xuất khẩu”.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Nếu tỷ giá Euro và USD bất lợi chi phí vận chuyển cao sẽ khó khăn cho DN xuất khẩu. Bộ Công Thương rất đồng tình với đại biểu về tác động bất lợi của tỷ giá một số ngoại tệ mạnh tác động lên xuất, nhập khẩu của nước ta trong thời gian vừa qua, nhất là việc nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản liên tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng và giữ lãi suất ở mức cao từ năm 2023 đến nay và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Mặt khác, chi phí logistics tăng cao do xung đột vũ trang cạnh tranh địa chính trị cũng gây bất lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá, kết hợp với chính sách tài khóa phù hợp, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm qua và đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm rất ngoạn mục.

Trên thực tế thì tỷ giá USD ở mức cao tuy ảnh hưởng đến DN nhập khẩu nhưng lại có lợi cho những DN xuất khẩu mà Việt Nam thì xuất khẩu là chủ yếu cho nên phần nào đó nước ta có lợi trong tình huống này. Trong hướng tới xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh bền vững chứ không chỉ trông đợi tranh thủ tỷ giá thuận lợi, do vậy các giải pháp căn bản phải thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ DN nâng cao năng lực nội tại nhờ hàng hóa chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Thứ hai, là tập trung hỗ trợ DN nâng cao tiếp cận thị trường thông qua việc đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán, ký kết, khai mở những thị trường mới và tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử.

Thứ ba, là tăng cường hỗ trợ DN xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ lợi ích của DN, thị trường nước ngoài. Cập nhật thông tin đều có những phản ứng chính sách phù hợp và có lợi cho Việt Nam. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất và tạo điều kiện cho vay thông thoáng hơn, nếu chủ trương có nhưng điều kiện bó đi thì cũng không giải quyết được.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN