Ban Chỉ đạo 389 tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết. Ảnh: T. Trí
Nhiều mặt hàng OCOP phục vụ Tết
Hiện toàn tỉnh có 95 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao. Trong đó, có 9 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao như: mặt nạ dừa, kẹo dừa, thạch dừa, sữa dừa... Đây là những sản phẩm đặc sản của địa phương và đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường trong nước.
Bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Siêu thị Dừa - Trung tâm Thương mại khu đô thị Hưng Phú, TP. Bến Tre có tập trung bày bán nhiều sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa. Đến nay, siêu thị đã nhận đơn đặt hàng gói quà Tết của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh để làm quà biếu mừng xuân với ý nghĩa, giá trị cao.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo cho biết, với quy mô toàn tỉnh có diện tích trồng bưởi da xanh trên 100ha, HTX có khả năng cung ứng sản lượng trên 800 tấn/năm. Sản phẩm bưởi trái của HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao. Dịp Tết này, HTX có sản lượng bưởi da xanh dồi dào và đẹp mắt được các thành viên chuẩn bị và chăm sóc bằng cả tâm huyết của nhà vườn để đưa ra thị trường phục vụ Tết. Điểm mới của HTX năm nay là thiết kế mẫu hộp quà, gồm: 2 trái bưởi da xanh loại 1 với thương hiệu “Cô gái bưởi hồng” để khách có thể mua làm quà biếu thể hiện tính sang trọng, cao cấp. Bên cạnh đó, HTX còn có các sản phẩm chế biến từ nông sản phối kèm làm quà Tết như: mứt tắc mật ong, rượu nho… Đây cùng là những sản phẩm của HTX hoặc được HTX liên kết với các HTX bạn trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ đặc sản OCOP địa phương.
Trên 200 tỷ đồng dự trữ hàng hóa Tết
Theo Sở Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, với tổng trị giá trên 200 tỷ đồng.
Về nguồn hàng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối chủ động tăng từ 10 - 25% đối với các mặt hàng rau, củ, quả, thịt các loại. Một số sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm tăng nhưng không đáng kể so với Tết Tân Sửu năm 2021. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Riêng Công ty Lương thực Bến Tre đã dự trữ gạo các loại 700 tấn, tại các kho huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và TP. Bến Tre.
Trong các đợt dịch vừa qua cho thấy, nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được bảo đảm, kể cả trong giai đoạn phải giãn cách xã hội tại các địa phương để phòng chống dịch. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, sở đã sớm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình sản xuất, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm cho thị trường để có đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nông, thủy sản của tỉnh trong tháng cuối năm 2021 khá dồi dào. Cụ thể: heo 7.834 tấn, gà 907 tấn, bò 5.082 tấn, vịt 1.054 tấn, trứng gia cầm 4,5 triệu quả, tôm nước lợ 12.886 tấn, tôm càng xanh 124,62 tấn, dưa hấu 1 ngàn tấn, rau quả các loại 2.143 tấn...
Sở Công Thương cũng đề nghị, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết; theo dõi sát diễn biến thị trường tại địa bàn, chủ động có phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa; phối hợp trong kiểm tra, xử lý việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong và ngoài địa bàn tham gia bán hàng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để duy trì sản xuất; đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, vệ sinh an toàn thực phẩm; điều tiết nguồn hàng hợp lý và kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa; chấp hành nghiêm việc đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; chủ động, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng; đa dạng phương thức phân phối, cách tiếp cận với người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã có kế hoạch cho đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xác định đầy đủ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, góp phần bình ổn thị trường trong tỉnh. |
C. Trúc - Tr.Trí