Nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh đang làm việc tại các khu công nghiệp đang trở nên bức thiết.
Tại lớp mẫu giáo trong Khu Công nghiệp Giao Long.
Sự đầu tư về giáo dục ở bậc mầm non còn chưa theo kịp để đáp ứng nhu cầu, nên ngay từ đầu năm học, các phụ huynh đang làm việc tại các khu công nghiệp đã rất khó khăn trong việc tìm nơi gửi trẻ. Để giải quyết tình thế, nhiều phụ huynh đã chạy sang các xã gần khu công nghiệp để tìm trường. Vợ chồng anh N.V.T làm nghề mua bán tại chợ Khu Công nghiệp Giao Long (Châu Thành) có con 4 tuổi. Muốn gửi con cả ngày, năm qua, anh chị phải chạy ngược lên xã Tân Thạch để gửi. Năm nay, do Trường Mẫu giáo Giao Long nhận giữ trẻ cả ngày nên anh chị đã chuyển sang gửi con ở đây cho gần hơn. Chị T.X.H ngụ tại ấp 5, xã Giao Long xin được việc làm tại Khu công nghiệp. Đầu năm, chị H. cũng đã gửi bé N.T.P (3 tuổi) đến Trường Mẫu giáo Giao Long để tiện việc đi làm, nhưng chỉ hơn một tháng chị đành cho bé nghỉ. Hỏi lý do thì được biết, lớp quá đông nên khâu chăm sóc chưa tốt, bé thường bị bệnh, ăn uống không đảm bảo.
Theo ban giám hiệu các trường mẫu giáo trên địa bàn, năm nay, hầu hết các trường đều quá tải. Cô Trần Thị Mãnh - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Giao Long cho biết, trường được xây mới và hoạt động từ đầu năm học 2011-2012, với 3 lớp bán trú, đã giải quyết phần nào bức xúc của người dân tại địa phương và công nhân Khu công nghiệp. Tuy nhiên, do đã nhận học sinh vượt số lượng, trong khi đội ngũ giáo viên đang thiếu, nên trường tạm thời không nhận thêm học sinh. Theo cô Trần Thị Mãnh: Năm nay, trường có nhiều phụ huynh là lao động đến từ các tỉnh khác. Trước tình trạng thiếu lớp, thiếu giáo viên, các phụ huynh có con em là trẻ 4 - 5 tuổi sẽ được trường ưu tiên nhận vào học. Hiện toàn trường có 136 học sinh, với 3 lớp học (trong đó, trẻ 5 tuổi: 52 trẻ/lớp, trẻ 4 tuổi: 49 trẻ/lớp), nhưng cũng chỉ có 4 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Do số trẻ ở mỗi lớp quá đông nên từ đầu năm đến nay, nhiều phụ huynh đã cho con em của họ nghỉ học hoặc chuyển trường. Dù vậy, trường vẫn tiếp tục nhận thêm trẻ 5 tuổi của phụ huynh tại Khu công nghiệp để đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi đến trường.
Trường Mẫu giáo xã Giao Long và An Phước đi vào hoạt động bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bậc phụ huynh đang làm việc tại Khu Công nghiệp Giao Long. Tuy nhiên, các trường còn gặp không ít khó khăn về trang thiết bị, sân chơi ngoài trời và đội ngũ giáo viên. Cô Nguyễn Thị Khuyến - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Quới Sơn cho biết, hiện trường có 6 nhóm lớp, trong đó có 4 nhóm lớp 1 buổi/ngày và 2 nhóm lớp 2 buổi/ngày. Năm học sau, trường sẽ được đầu tư thêm bếp ăn để tổ chức bán trú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ cả ngày của người lao động.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, hiện toàn huyện có 23 điểm trường mẫu giáo mầm non và 16 trường dạy bán trú. Các trường mẫu giáo và mầm non gần Khu Công nghiệp Giao Long như: Phú An Hòa, Phước Thạnh, An Hóa, Giao Hòa, Thị trấn, Giao Long đều đã dạy bán trú. Một vấn đề mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quan tâm là thiếu nguồn giáo viên bậc mầm non. Việc tuyển dụng luôn gặp khó khăn, dù các yêu cầu tuyển dụng đã được đơn giản hơn rất nhiều. Cụ thể, Trường Mẫu giáo Giao Long hiện chỉ đang hoạt động 3/4 lớp. Trường Mẫu giáo An Hiệp có 4 lớp dạy 2 buổi/ngày cũng chỉ có 4 giáo viên trực tiếp đứng lớp… Phần lớn các trường thực hiện hợp đồng nhân sự về y tế hoặc chưa thể đáp ứng về khâu y tế (vì kinh phí hạn chế) đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, chăm sóc trẻ.
Được biết, theo kế hoạch năm 2012, các khu công nghiệp sẽ tuyển dụng thêm từ 5 đến 6 ngàn lao động, nâng tổng số lao động tại đây lên khoảng 18 ngàn. Lúc đó, nhu cầu gửi trẻ sẽ tăng theo. Vì vậy, khi nào các khu công nghiệp sẽ có nhà trẻ, làm gì để tạo nguồn giáo viên là những câu hỏi đang cần lời giải đáp.