Cần làm rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm

06/06/2017 - 07:09
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nên thành lập đơn vị thuộc Chính phủ chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm hay giữ nguyên mô hình 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng quản lý; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh thực phẩm... là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận chiều 5/6 về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016."

Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước

Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tiếp tục là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. 

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, trong bối cảnh hiện nay, việc quản lý nhà nước chưa thể giao cho một bộ, ngành, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho cấp xã để thực hiện công tác phòng ngừa. 

Thực tế cho thấy địa phương nào thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ở đó hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu thực tế mô hình an toàn thực phẩm tại Trung ương và địa phương đang có nhiều đầu mối. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục phân tích sâu hơn về hiệu quả của mô hình quản lý hiện nay: điểm mạnh, điểm yếu của mô hình, nhất là có sự chồng chéo về chức năng trong việc ban hành văn bản pháp luật: đồng thời, cần có sự so sánh với một số nước, nhất là với các quốc gia có điều kiện xuất nhập khẩu sản phẩm tương đồng, đang làm tốt về công tác an toàn thực phẩm.

Nhất trí với việc cần nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ hiện còn rất nhiều đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm nên cần thống nhất về một đầu mối cơ quan chịu trách nhiệm thuộc Bộ Y tế hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không thống nhất về việc thành lập Ban bảo vệ an toàn thực phẩm chuyên trách, đại biểu cho rằng chỉ nên thực hiện thí điểm, đồng thời cho phép các địa phương dùng số tiền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm cùng kinh phí Nhà nước để thực hiện các yêu cầu của công tác này. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm, thực hiện không đúng chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, coi đây là tiêu chí đánh giá cán bộ hàng năm.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề xuất cần có cơ quan độc lập trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi vấn đề an toàn thực phẩm. Cơ quan này gồm các chuyên viên của 3 Bộ được phân công trách nhiệm về an toàn thực phẩm, có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm, có đủ năng lực pháp lý, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm. 

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, vừa qua có rất nhiều báo động về nồng độ thạch tín trong nước uống, ô nhiễm nguồn nước, môi trường trồng trọt, vì vậy, nhu cầu cần có cơ quan quản lý độc lập, thống nhất, với thành phần không chỉ thuộc các Bộ được giao quản lý, còn bao gồm các lĩnh vực môi trường, khoa học, công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng.

Toàn xã hội cần vào cuộc


Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp trong thực thi chính sách về an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chỉ rõ mặc dù công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, diễn biến ngày càng phức tạp nhưng kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ, chính quyền địa phương trong quản lý, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. 

Đại biểu đề nghị làm rõ khẳng định thêm sự đóng góp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lực lượng thanh tra, công an ngày đêm đấu tranh với các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng... đưa ra ánh sáng công luận để phòng ngừa, cảnh báo và xử lý vi phạm. 

[Xác định mô hình hợp lý trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm]

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần làm rõ, đầy đủ vai trò của cơ quan tổ chức cá nhân trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; trách nhiệm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách về an toàn thực phẩm, nêu cao ý thức đấu tranh với các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, cách sản xuất, chế biến thực phẩm, không thổi phồng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Để làm tốt vấn đề an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc của cả xã hội, bởi chỉ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho các bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh sẽ khó hoàn thành. Đây là cuộc chiến giữa cái đúng và cái sai, trung thực với lòng tham, cái thiện và cái ác, chắc chắn còn cam go, chỉ thành công khi cả xã hội vào cuộc - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra

Dẫn chứng thực tế trong cơ chế phân cấp, quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) nêu rõ theo quy định về phân cấp, phân công quản lý, những sản phẩm thực phẩm hay cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc phân công quản lý của ngành nào, ngành đó cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điền kiện an toàn thực phẩm; cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiến hành kiểm tra thực tiễn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi cấp giấy phép. 

Tại Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế quy định về kiểm tra sau công bố, cơ quan tiếp nhận đăng ký và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, nơi có cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có thẩm quyền tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ kiểm nghiệm định kỳ đối với sản phẩm đã công bố.

Theo đại biểu Trương Phi Hùng, quy định trên sẽ dẫn đến trùng lắp, chồng chéo trong công tác kiểm tra, hậu kiểm giữa ngành y tế với các cơ quan chuyên ngành như: công thương, nông nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm do các cơ quan chuyên ngành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các sản phẩm của cơ sở đó lại do ngành y tế cấp giấy chứng nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, dẫn đến một cơ sở có thể bị kiểm tra nhiều lần trong một năm. 

Trong khi đó, để tạo điều kiện, giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động, tránh thanh tra, kiểm tra trùng lắp, chồng chéo, gây khó khăn phiền hà cho cơ sở, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mỗi cơ sở chỉ được thanh tra, kiểm tra một lần/năm. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình thanh, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm hoặc giao cho một đầu mối để thực hiện.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế công tác thanh tra, kiểm tra mới tập trung ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, bỏ sót các cơ sở nhỏ lẻ, trong khi các cơ sở này thường còn chưa đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế về chuyên môn, các trang thiết bị còn thiếu, tính chính xác chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa bao quát hết các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm và còn nhiều khoảng tối, mảng trống trong quy trình quản lý, xử lý chưa nghiêm, chưa có tính răn đe. Điều kiện thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm còn thiếu các cơ chế hiệu quả, vừa thiếu các trang thiết bị, nhân lực để kiểm tra cũng như trang thiết bị kiểm tra nhanh. Các chợ hầu hết chưa có các thiết bị nhanh để tiện cho người dân kiểm tra chất lượng thực phẩm...

Cần thống nhất cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở xây dựng một bộ máy thống nhất có thể điều phối, triển khai thực hiện có hiệu quả, tránh chồng chéo, tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cho đội ngũ thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Tái cấu trúc nền kinh tế gắn với an toàn thực phẩm


Giải trình, làm rõ nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra các giải pháp trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và vấn đề nhân lực, tài chính và tái cấu trúc nền kinh tế gắn với an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng khẳng định hiện, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đồng bộ và đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ra Chỉ thị về nội dung này. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Luật An toàn thực phẩm; góp ý về xử lý hình sự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tham mưu trình Chính phủ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; ban hành Nghị định về thực phẩm chức năng...

Bộ trưởng chỉ rõ văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc và vi phạm vẫn xảy ra. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đó là mức xử lý trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, mức phạt trung bình 200.000 đồng là quá thấp, không đủ răn đe; kể cả trường hợp để xảy ra chết người, theo Bộ Luật Hình sự cũng chưa thể truy tố được. 

Sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị nội dung này. Bên cạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, cần nói đến trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bởi tất cả vấn đề nấu rượu lậu, làm rượu giả... vẫn xảy ra ở xã, phường. Lực lượng chính quyền phường, bán chuyên trách rất nhiều ở địa phương, hưởng phụ cấp 1/2, 1/3 lương cơ bản sẽ động viên, khuyến khích họ thực hiện công việc. Đó là trách nhiệm của cấp huyện, xã. Ngoài ra, còn có phần do doanh nghiệp, nhà sản xuất coi thường sức khoẻ người dân, chưa thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật an toàn thực phẩm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Với khối lượng công việc nhiều, nếu không tăng biên chế sẽ không thể giải quyết được hết. Hiện, cả nước chỉ có 350 người quản lý nhà nước ở cấp Trung ương về an toàn thực phẩm; cấp tỉnh, cấp huyện chỉ có 250 người, chủ yếu là kiêm nhiệm; cấp xã chỉ có một người ở trạm y tế xã. Đột phá khó nhất chính là tài chính, biên chế không tăng, đầu mối không thêm, phải xã hội hóa nguồn nhân lực và tận dụng lực lượng bán chuyên trách ở cấp xã - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Khẳng định một trong những giải pháp cần thiết là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng cho rằng cải tổ sâu sắc trong nền kinh tế là tái cấu trúc lại đầu tư cho nông nghiệp, đổi mới cho nông nghiệp phát triển nông thôn. Liên quan đến vấn đề truyền thông, Bộ trưởng nêu rõ: "Tuyên truyền để người dân nhận thức, doanh nghiệp sản xuất phải vì sức khỏe, một dân tộc khỏe là mỗi người dân đều khỏe; mỗi người yếu ớt sẽ là một dân tộc yếu ớt. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội."

Cần nhiều nỗ lực trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trước thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua, Chính phủ đã làm việc với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực Thế giới... để tiến hành nghiên cứu độc lập về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. 

Về mặt luật pháp liên quan vấn đề an toàn thực phẩm, phải thường xuyên đánh giá, sửa đổi, nhất là với các văn bản dưới luật. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng như các chuyên gia quốc tế đánh giá hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện đi đầu trong khu vực về độ hiện đại, tiếp cận đúng xu thế thế giới nhưng về năng lực tổ chức thực hiện, Việt Nam chưa theo kịp, trong đó có vấn đề mô hình quản lý.

Theo Phó Thủ tướng, ở Việt Nam rất khó thành lập một cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm thuộc Chính phủ hay một bộ vì một nhóm hàng liên quan đến quản lý của nhiều bộ, ngành như nông nghiệp, y tế, công thương... Mô hình quản lý ở các nước là quản lý chia theo từng việc, từng nội dung cho các bộ, ngành và có cơ chế điều phối chung. Hiện, Việt Nam có cơ chế điều phối chung ở dạng Ban chỉ đạo thuộc Chính phủ, cấp tỉnh hoặc cấp huyện nhưng nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa hiệu quả, vấn đề này không chỉ với an toàn thực phẩm. 

Thời gian qua, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã có chương trình phối hợp hành động về đảm bảo an toàn thực phẩm; đã có 43 tỉnh đã triển khai chương trình phối hợp, thực hiện hàng ngàn cuộc thanh tra, giám sát ở các cấp. Đây là chương trình cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới và huy động cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc.

Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến khái niệm "người tiêu dùng thông thái," Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần phải làm và các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam thiết lập hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ cần hệ thống phòng thí nghiệm ở các bộ, ngành mà cần tăng cường đầu tư trang thiết bị ở các chợ đầu mối, các siêu thị để người dân có điều kiện xác minh thực phẩm an toàn khi không thể xác minh bằng mắt thường. Đây là yêu cầu phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

Về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thực thi pháp luật nghiêm minh, cần tăng cường thanh, kiểm tra. Vừa qua Chính phủ đã cho thí điểm thanh tra liên ngành ở một số phường, quận tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đánh giá ban đầu, cơ bản Chính phủ có chủ trương mở rộng mô hình thanh tra này ở các địa phương, tỉnh thành khác, như: Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Gia Lai..., Chính phủ sẽ bàn và có văn bản để cho phép mở rộng mô hình thanh tra này.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến, nhiều kênh truyền hình, radio đã có các chuyên mục riêng nhưng quan trọng là cần đẩy mạnh không chỉ thông tin đại chúng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể các cấp... trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Phó Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền cần tăng cường dựa trên bằng chứng, không chỉ mang tính suy luận, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và du lịch.

Nhận định an toàn thực phẩm là vấn đề lớn và cần nhiều nỗ lực, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã xác định cần nỗ lực kiên trì, trên tinh thần khắc phục những khó khăn, hạn chế về chính sách, pháp luật, kinh phí, trang thiết bị... Nếu có sự nỗ lực, kiên trì với trách nhiệm cao của những người đứng đầu, cũng như các cấp, các ngành sẽ đạt kết quả tốt hơn trong đảm bảo an toàn thực phẩm.../.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN