
Tham quan vườn rau Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: Cẩm Trúc
Thực trạng tình hình
Tổ hợp tác (THT) nuôi bò Quyết Tâm, ở ấp Thạnh Hưng A, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, có 20 thành viên, được thành lập vào tháng 7-2020. Đến nay, THT vẫn bán bò cho thương lái chứ chưa liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm cho thành viên. Nội dung sinh hoạt của tổ còn dừng lại ở việc chia sẻ về cách thức chăm sóc, chăn nuôi bò sinh sản.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Bình Thạnh được thành lập đầu năm 2020, 176 thành viên, vốn góp từ 1 - 12 triệu đồng/người. HTX định hướng sản xuất theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn tự công bố với các sản phẩm chủ lực là rau màu, lúa tôm; cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra… Nhưng đến nay, HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa mang lại lợi nhuận kinh tế về dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, HTX chưa vận động thành viên chuyển đổi từ trồng rau màu truyền thống sang sản xuất hữu cơ, sản xuất tiêu chuẩn VietGAP như đã định hướng. Hội đồng quản trị, Ban giám đốc HTX còn lúng túng, chưa có phương án sản xuất hiệu quả. Hầu hết các thành viên trong HTX vẫn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm từ khâu sản xuất đến giải quyết đầu ra sản phẩm.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng cho biết: Huyện có hơn 40 ngàn con bò, đứng thứ hai sau Ba Tri về sản lượng. Tuy nhiên, các THT trên địa bàn huyện vẫn còn dừng lại hiệu quả bước đầu như THT nuôi bò Quyết Tâm, ấp Thạnh Hưng A. Cái khó hiện nay của THT này và HTX trên địa bàn huyện nói chung là công tác nhân sự cho Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Đội ngũ cán bộ quản lý KTTT cấp huyện, xã vừa thiếu, vừa yếu, đều làm kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, hỗ trợ thúc đẩy KTTT phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tới. Chưa thu hút được nhiều lao động trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc lâu dài tại HTX. Một số HTX phải bố trí cán bộ bán chuyên trách ở xã hỗ trợ. Điều này không chỉ gây khó khăn trong phát triển KTTT, HTX ở huyện Thạnh Phú mà ở hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá từ kết quả khảo sát thực tế của Ban Chỉ đạo 248, hiệu quả của công tác tuyên truyền đối với phát triển KTTT, HTX trong nhân dân là chưa sâu. Việc thành lập HTX ở nhiều nơi còn chạy theo chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, chưa thật sự thuyết phục người dân chủ động tham gia. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động của rất nhiều HTX “đi vào ngõ cụt”, chỉ thành lập một cách hình thức rồi không hoạt động mà giải thể cũng mất thời gian.
Thay đổi tư duy
Chia sẻ liên quan vấn đề con người trong KTTT, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành khẳng định: Cần phải tạo được nhận thức cho HTX biết tự giác từ trong suy nghĩ đến cách làm. Đồng thời, phải tìm cho được những người có tâm huyết tham gia vào ban quản lý, điều hành HTX. Trong quá trình làm, các HTX tự học, tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành và tự kinh doanh.
Trong thời gian qua, việc tập huấn, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho bộ máy lãnh đạo của các HTX là có thực hiện, kể cả tỉnh tổ chức mời chuyên gia hỗ trợ tư vấn cho các HTX nhưng không hiệu quả. Theo các ý kiến đánh giá cho rằng, bên cạnh sự hạn chế nội tại của HTX thì việc tư vấn cũng chưa phù hợp với thực tế của địa phương.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình, cấp ủy cần tiếp tục chỉ đạo mạnh hơn đối với phát triển KTTT. Trong đó, tập trung tháo gỡ vấn đề khó khăn về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cho HTX. Nên có đào tạo nguồn cho cán bộ HTX, tuyển chọn từ thành viên HTX, người thân của thành viên HTX; bồi dưỡng kiến thức từ cơ bản đến chuyên đề để quản lý tốt. Đồng thời, cần sự quan tâm của Đảng ủy, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, UBND cấp đó gắn với nhiệm vụ trong năm của người đứng đầu.
Công tác tuyên truyền cần được củng cố và thực hiện theo chiều sâu để người dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thật sự của KTTT, HTX kiểu mới. Công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm KTTT, HTX cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 248, cần thiết thành lập tổ tư vấn HTX cấp tỉnh, huyện để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, giúp HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Hoạt động của tổ tư vấn là cách để giải quyết những đề xuất của THT, HTX hiện nay từ nâng cao năng lực quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đến các nghiệp vụ về kế toán…
“Liên minh HTX tỉnh đang tập trung tư vấn các địa phương để thay đổi cách làm, phải đáp ứng 3 yếu tố mới cho thành lập HTX. Một là, phải có đủ nhân sự, muốn làm và có đủ kiến thức, năng lực để thực hiện HTX. Thứ hai, có phương án sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu. Có kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm và đúng với lợi thế của địa phương, gắn với chuỗi giá trị để đủ sức thuyết phục người dân tham gia, tin tưởng góp vốn để hoạt động… là yếu tố thứ ba để HTX đủ điều kiện hoạt động”.
(Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nguyễn Thanh Phương)
|
Cẩm Trúc - Thanh Đồng