Cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng

26/09/2016 - 07:39

Gia đình ông Sơn bên căn chòi lá của mình.

Gửi đơn cho Báo Đồng Khởi, bà Nguyễn Thị Hồng Lan cho biết, gia đình bà không có đất sản xuất, bản thân bà bị bệnh thận; chồng bà là thương binh, trong lúc đi làm thuê bị tai nạn giao thông và phải phẫu thuật hộp sọ 2 lần. Điều đau lòng hơn là 2 đứa con gái của bà (bệnh tâm thần) lại đang mang thai đã gần tới ngày sinh nở.

Nhà của bà Lan ở khá sâu trong vườn, thuộc Tổ nhân dân tự quản số 11, ấp Kinh Trong, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Nói là nhà nhưng thực tế chỉ là một cái chòi được dựng lên bởi cây tạp, vài tấm tole làm mái che nắng mưa, xung quanh được che chắn bằng lá dừa. Trước cửa nhà là cái bàn tròn cùng mấy chiếc ghế đẩu đã “tới tuổi” là tài sản quý của gia đình. Những lúc tới bữa cơm, cả nhà 5 người cùng xúm xít bên cái bàn này.

Khoảng năm 1992, bà Lê Thị Hồng Lan (sinh năm - SN 1968), quê xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm tới Cà Mau để làm thuê thì gặp ông Trịnh Văn Sơn (SN 1966), bấy giờ là bộ đội phục viên, thương binh từ Campuchia về. Cùng hoàn cảnh nghèo khó, 2 người tự kết thân thành vợ chồng rồi sống bằng nghề làm thuê tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Minh Hải. Sau đó, hai vợ chồng ông Sơn về quê ở ấp Kinh Trong, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm sinh sống; được bà Hồ Thị Bền (mẹ bà Lan) cho đất cất nhà lá để ở. Họ có được 2 người con gái (đứa lớn SN 1995, đứa nhỏ SN 1998), nhưng khổ nỗi cả 2 chị em Trịnh Kim Tiền và Trịnh Kim Tuyến đều bị bệnh tâm thần. Cuộc sống của gia đình chủ yếu nhờ vào đồng tiền làm thuê công nhật của ông Sơn.

Năm 2002, gia đình ông Sơn tới lập nghiệp (theo diện đi khai phá vùng kinh tế mới) tại xã Ia Lôp, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk. Hai ông bà là lao động chính, nhưng ông thường hay bệnh do di chứng của vết thương ở đầu (trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia); còn bà Lan thì bệnh thận nên không thể lao động nặng được. Hơn 10 năm sinh sống tại đây, gia đình họ vẫn là hộ nghèo. Cuộc sống của họ càng khó khăn hơn khi Kim Tiền (con gái đầu lòng, bị bệnh tâm thần) sinh ra đứa con trai nhưng không có cha. Khoảng giữa năm 2015, cả nhà ông Sơn trở về quê bà Lan (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) sinh sống. Đầu tháng 8-2015, trên đường đi làm thuê, ông bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, phải làm phẫu thuật 2 lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Tôi bị tai nạn, được anh em đơn vị cũ và các nhà hảo tâm giúp đỡ điều trị thương tích nên mới sống được. Nhưng cái nghèo sao vẫn cứ đeo theo hoài”, ông Sơn xúc động.

Để nuôi 2 người con (đang mang thai) và đứa cháu ngoại trai 3 tuổi (không có cha), hàng ngày, vợ chồng ông đi bán vé số dạo (khoảng 200 tờ/ngày). Ông Đặng Văn Lắm - Tổ trưởng Tổ 11 cho biết: “Hoàn cảnh gia đình anh Sơn, ai cũng xót lòng. Thỉnh thoảng, bà con lối xóm cũng giúp đỡ nhưng chỉ là có hạn”. Phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa Lê Minh Bảo cho rằng: “Hộ ông Sơn chính thức chuyển hộ khẩu về địa phương vào cuối năm 2015. Xã đã họp xét bổ sung hộ nghèo cho gia đình này. Bà Lan có cha là liệt sĩ, mẹ là thương binh và ông Sơn - chồng bà cũng là thương binh. Xã đã làm thủ tục đề nghị xin cho hộ này nhà tình nghĩa nhưng đến nay vẫn còn phải chờ vào đơn vị tài trợ”. 

Theo giấy xác nhận quá trình công tác số 016 (ngày 22-6-2016) của Phòng Tham mưu Sư đoàn 9, ông Trịnh Văn Sơn có 3 năm 10 tháng công tác tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân khu 4; trong đó có 3 năm 7 tháng làm nhiệm vụ quốc tế  ở Campuchia. Quá trình công tác, ông Sơn bị thương: “loại A, hạng thương tật 21%; vết thương chính: một mảnh đạn chột đỉnh đầu - ảnh hưởng thần kinh; số giấy xác nhận: TB - 78/Ea Súp” (theo nguyên văn Giấy xác nhận thương binh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cấp). Ông Sơn còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (ký ngày 6-1-1997, vào sổ vàng số 1610), về thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Ông Sơn cho biết, rất muốn tham gia sinh hoạt với Hội Cựu chiến binh xã Bình Hòa, nơi ông đang cư trú.   

Trường hợp khó khăn của hộ gia đình thương binh Trịnh Văn Sơn rất cần được sự chia sẻ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ cho ông Sơn, xin liên hệ với Tòa soạn Báo Đồng Khởi; địa chỉ: số 171 - 173, đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Điện thoại: (075) 3822311.

“Hội Cựu chiến binh huyện sẵn sàng giúp đỡ anh Trịnh Văn Sơn nếu anh muốn tham gia sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh xã. Huyện hội cũng sẽ hết sức tạo điều kiện để giúp anh có được căn nhà tình nghĩa”.

(Ông Trần Quang Nhịn - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Giồng Trôm)

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích