Cần thống nhất với các nội dung về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội

26/06/2024 - 15:07

BDK.VN - Chiều 25-6-2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội.

       

Bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tham gia phát biểu thảo luận tổ chiều 25-6-2024.

Tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương sau hơn 5 năm triển khai nghị quyết.

Đại biểu đồng tình với việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, tăng chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 2.055.000 đồng/tháng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Đại biểu cho rằng việc điều chỉnh các mức tăng lần này với mức khá cao so với từ trước đến nay, qua đó sẽ tạo sự phấn khởi và động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cũng như nâng mức chuẩn trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội và trợ cấp cho các nhóm đối tượng khác. Đại biểu thống nhất với các phương án của Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung.

Thứ nhất, Chính phủ đã và đang thực hiện được 4/6 nội dung theo đề án cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó có 2 nội dung chưa được thực hiện là xây dựng vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới, đây là hai việc khó, cần phải có lộ trình và sớm có giải pháp để thực hiện. Trong lần điều chỉnh lương hưu lần này, đại biểu Thanh Lam còn băn khoăn đối với nhóm lương hưu tăng 15%, mặc dù các nghị quyết của Quốc hội qua các năm đều có điều chỉnh tăng tỷ lệ theo CPI, tuy nhiên người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 vẫn còn ở mức thấp nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng để bằng 3,5 triệu  đồng/tháng; đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đối với nhóm đối tượng này trong thời gian tới với mặt bằng giá cả hiện nay.

Riêng điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%), về cơ bản có thể thấy tỷ lệ này có tăng cao so với các nhóm khác, tuy nhiên mức tăng lên 500.000 đồng chỉ bằng 1/3 chuẩn nghèo nông thôn và ¼ chuẩn nghèo thành thị hiện nay. Trong khi các nhóm đối tượng này thuộc hộ nghèo sống phụ thuộc vào nguồn trợ cấp này không có nguồn thu nhập khác, do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm và có lộ trình nâng mức trợ cấp hàng năm, nhằm đảm bảo mức sống ổn định hơn cho người dân và từng bước thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề án tinh giảm biên chế, sắp xếp lại vị trí việc làm và nâng cao trách nhiệm công vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp quản lý kiểm soát chặt chẽ về giá cả thị trường, tránh trường hợp lương chưa lên, giá cả các mặt hàng liên tục tăng vọt.

Về nguồn lực để thực hiện, tờ trình Chính phủ đã nêu 5 nguồn lực để thực hiện, tuy nhiên, đại biểu băn khoăn Đề án cải cách tiền lương là một Đề án tổng thể riêng nhưng nhóm trợ cấp xã hội, người có công chi nguồn đảm bảo xã hội, nếu gom chung vào đề án cải cách tiền lương thì phù hợp chưa? đề nghị nên tách nguồn này ra, để phân định trong nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương cho sát hơn, có cơ sở xây dựng lộ trình nguồn lực thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu Thanh Lam cũng đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đối với các địa phương còn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của Trung ương, vì trong thời gian qua, nhiều chính sách được phân cấp mạnh về cho các địa phương chủ động thực hiện, ví dụ lực lượng dân quân tự vệ, về công an cơ sở,... nếu triển khai thực hiện chính sách tiền lương tăng thì các địa phương ít nhiều gặp khó khăn cần chủ động tính toán lại nguồn lực để đảm bảo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ hai, đối với phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Thanh Lam thống nhất với sự cần thiết phương án, nhằm có những biện pháp hỗ trợ, để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA - là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này. Tuy nhiên, VNA cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai và tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu, Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để VNA sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2035 được xây dựng từ giữa năm 2021 nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên các giải pháp chưa được triển khai hiệu quả; cần phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị giải pháp tháo gỡ kịp thời; VNA xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cần báo rõ hơn về kết quả hoạt động hàng năm cho các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện tái cấp vốn sau ba lần gia hạn; nghiêm túc đẩy nhanh việc cơ cấu lại toàn diện VNA theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tin, ảnh: Kim Ngân

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Kỳ họp thứ 7

BÌNH LUẬN