Cần ý thức rõ vấn đề dân số và bảo vệ môi trường

01/12/2010 - 08:29

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường được xã hội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc tự giác thực hiện những công việc để làm cho môi trường trong lành, từng địa phương cũng có nhiều hình thức vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, ở đâu đó môi trường vẫn còn bị ô nhiễm do chất thải trong chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt… Lẽ ra mọi người cần ý thức rằng, bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một yếu tố cấu thành của sự phát triển bền vững. Trong quá trình phát triển, nếu khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường, sẽ để lại hậu quả cho tương lai, cho thế hệ sau.
Đối với con người, môi trường có ba chức năng: là không gian sinh tồn; là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất ra của cải vật chất; là nơi chứa, xử lý, tái chế các phế thải từ các hoạt động sống và sản xuất. Để sống, con người phải có ăn, có mặc, có nhà ở, sử dụng các nhiên liệu và nhiều tư liệu khác. Đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng do qui mô dân số tăng cũng như do sự phát triển của nhu cầu, con người khai thác ngày một nhiều các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thải vào môi trường nhiều hơn các chất phế thải làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Xin nêu một vài hậu quả của quá trình tương tác giữa con người với môi trường: Do việc gia tăng qui mô dân số, để đảm bảo lương thực, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị bóc lột nhiều hơn, chính vì thế, độ màu mỡ ngày càng kiệt quệ, làm đất bạc màu. Việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu để làm tăng năng suất cây trồng cũng làm ô nhiễm đất và gây hại cho sức khỏe con người. Đất ít, con người phải chặt phá rừng để lấy đất sản xuất. Mất rừng, độ che phủ giảm làm cho đất bị xói mòn, mất độ màu mỡ, dẫn đến hoang mạc hóa; phá rừng còn là nguyên nhân của những trận lũ lụt gần đây, làm cho con người phải sống trong hoang tàn, đổ nát, thiếu thốn nhiều mặt. Thế giới đã có bài tính: hàng năm trên trái đất có khoảng 70.000km2 đất nông nghiệp bị mất độ màu mỡ và 200.000km2 đất khai thác bị giảm năng suất. Diện tích canh tác giảm, năng suất không thể tăng nhanh, dân số tăng thêm 1 tỷ người theo chu kỳ 12 đến 13 năm, tình trạng khan hiếm lương thực và nghèo đói sẽ khó có thể khắc phục.
Nước cùng với không khí là hai yếu tố sống còn của con người. Mọi hoạt động của con người đều cần đến nước. Do dân số tăng nhanh, nước ngày càng khan hiếm và bị ô nhiễm, nên xảy ra tình trạng thiếu nước cho người và cho sản xuất. Hiện nay, vấn đề khan hiếm nước xảy ra với 88 nước đang phát triển với hơn 40% dân số, đặc biệt trầm trọng là ở khu vực Bắc và Đông Phi, Trung cận Đông. Nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới, mưa nhiều nhưng đã xuất hiện tình trạng thiếu nước do mặt nước bị ô nhiễm không sử dụng được, mực nước ngầm bị khai thác quá mức cũng sụt giảm trầm trọng. Hiện nay, ở nước ta, tỉnh ta, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất được xây dựng bên bờ các con sông và bờ biển. Nước thải chưa xử lý được đổ trực tiếp ra sông, ra biển làm ô nhiễm các nguồn nước gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, phá hủy sự đa dạng sinh thái, mà gần nhất là vụ xảũ nước thải của nhà máy Vedan ra sông Đồng Nai.
Khí thải của các nhà máy, của các phương tiện giao thông ngày một nhiều… đã làm ô nhiễm không khí và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Bệnh nhân nhập viện bị các bệnh đường hô hấp gia tăng. Tầng ô-zôn bị thủng dẫn đến hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất chịu nhiều ẩn họa. Băng ở hai cực tan nhiều, mực nước biển dâng cao, sẽ nhấn chìm các vùng đất ven biển…

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích