Căng thẳng Azerbaijan - Armenia leo thang và nguy cơ xảy ra chiến tranh Kavkaz mới

20/09/2023 - 12:44

Trong nỗ lực buộc khu vực ly khai Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát phải khuất phục bằng vũ lực, ngày 19-9, Azerbaijan đã gửi quân được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công bằng pháo binh tới đây, làm dấy lên nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới với nước láng giềng Armenia.

Khói bốc lên sau các cuộc tấn công trên đỉnh đồi bên ngoài Stepanakert, thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, vào ngày 19-9. Ảnh: AFP

Khói bốc lên sau các cuộc tấn công trên đỉnh đồi bên ngoài Stepanakert, thuộc khu vực Nagorno-Karabakh, vào ngày 19-9. Ảnh: AFP

Karabakh (Nagorny) là một khu vực miền núi ở khu vực Nam Caucasus (Kavkaz) đầy biến động, từng nằm ở vị trí trung tâm của hai cuộc chiến, gần nhất là cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào cuối năm 2020, khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng.

Theo hãng tin Reuters của Anh, trước tình hình căng thẳng leo thang giữa Azerbaijan và Armenia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Azerbaijan ngừng hoạt động ngay lập tức, nói rằng điều này đang làm xấu đi tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Karabakh.

Liên minh châu Âu (EU), Pháp và Đức cũng lên án hành động quân sự của Azerbaijan, kêu gọi nước này quay lại đàm phán với Armenia về tương lai Karabakh.

Trong khi đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều clip mà ở đó người ta vẫn nghe thấy tiếng pháo kích ầm ầm ở Stepanakert, thủ phủ của Karabakh, được Azerbaijan gọi là Khankendi.

Ông Hikmet Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cho biết Baku đã triển khai lực lượng mặt đất và họ đã chọc thủng phòng tuyến của Armenia ở một số nơi, đạt được một số mục tiêu chính. Tuy nhiên, lực lượng ly khai Armenia phủ nhận điều này.

Trong một tuyên bố mới đưa ra, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết các lực lượng quân đội nước này cho đến nay đã chiếm giữ hơn 60 cứ điểm quân sự và phá hủy tới 20 phương tiện chiến đấu cùng một số hạ tầng khác của đối phương

Về phần mình, chính quyền ly khai Karabakh cho biết 25 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 dân thường và 138 người bị thương do hành động quân sự của Baku.

Hãng tin Reuters cho biết họ không thể xác minh thông tin mà hai bên đưa ra, đồng thời đặt câu hỏi rằng không rõ hành động của Baku có gây ra xung đột toàn diện kéo dài ở Armenia hay không.

Người biểu tình tụ tập gần tòa nhà chính phủ tại thủ đô Yerevan, Armenia sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự ở khu vực Nagorno-Karabakh vào ngày 19-9-2023. Ảnh: Reuters

Người biểu tình tụ tập gần tòa nhà chính phủ tại thủ đô Yerevan, Armenia sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự ở khu vực Nagorno-Karabakh vào ngày 19-9-2023. Ảnh: Reuters

Dẫu chưa đưa ra được câu trả lời chính xác, nhưng theo Reuters, đã có những dấu hiệu về sự sụp đổ chính trị ở Yerevan, thủ đô của Armenia, khi xuất hiện kêu gọi đảo chính chống lại Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Một số người Armenia đã tập trung tại Yerevan, yêu cầu chính phủ hành động trong bối cảnh có báo cáo về các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và đám đông khiến cả hai bên bị thương.

Theo Reuters, cuộc chiến ở Karabakh có thể làm thay đổi sự cân bằng địa chính trị ở Nam Caucasus, nơi có nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt, đồng thời là nơi mà Liên bang Nga – quốc gia đang bị phân tâm bởi xung đột ở Ukraine - đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trước hoạt động lớn hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan.

Về phần mình, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, ông Hikmet Hajiyev cho rằng mục đích của Azerbaijan là khép lại một chương thù địch và đối đầu. Bởi Azerbaijan không thể chịu đựng được việc tiếp tục có những lực lượng vũ trang như vậy trên lãnh thổ cũng như sự tồn tại của một cơ cấu hàng ngày thách thức an ninh và chủ quyền của mình.

Đề cập tới lý do đưa quân vào Karabakh, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ trong tuyên bố là nhằm giải giáp vũ khí, đảm bảo việc rút quân của các lực lượng vũ trang Armenia khỏi lãnh thổ của Azerbaijan và vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của Armenia tại Karabakh.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết thêm họ hành động để "khôi phục trật tự hiến pháp của Cộng hòa Azerbaijan" và dân thường được tự do rời đi qua các hành lang nhân đạo, bao gồm cả một hành lang đến Armenia.

Theo Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan, lời đề nghị nêu trên của phía Azerbaijan giống như một nỗ lực khác của Baku nhằm thuyết phục người Armenia rời khỏi Karabakh như một phần của chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", một cáo buộc mà Baku phủ nhận.

Phản ứng trước động thái làm căng thẳng leo thang của Azerbaijan, Thủ tướng Nikol Pashinian ngay lập tức triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Armenia và cho biết ông đang liên hệ với Moskva, nước dẫn đầu liên minh an ninh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) mà Armenia là một thành viên và cộng đồng quốc tế, để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Baku.

Phát biểu trên truyền hình, ông Pashinian kêu gọi:“Trước hết, Nga cần hành động và thứ hai, chúng tôi mong đợi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ có hành động”.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 19-9 cho biết Moskva đang liên lạc với cả Azerbaijan và Armenia và thúc giục hai bên ngừng sử dụng vũ lực, ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho dân thường là vấn đề quan trọng nhất.

Trong khi đó, Ruben Vardanyan, một quan chức hàng đầu trong chính quyền người Armenia ở Karabakh cho đến tháng 2 vừa qua, nhấn mạnh một tình huống thực sự nghiêm trọng đã diễn ra ở Karabakh.

Theo ông Vardanyan, Azerbaijan đã bắt đầu một chiến dịch quân sự toàn diện chống lại 120.000 dân, trong đó 30.000 là trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN