Cảnh báo bẫy “tín dụng đen”, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức

19/11/2021 - 06:04

BDK - Những năm qua, trên khắp mọi miền đất nước, tội phạm “tín dụng đen” (TDĐ) ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều người lao động khiến họ rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm, không có tiền chi tiêu và tội phạm “TDĐ” đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú về vấn đề này.

Ngành ngân hàng đẩy mạnh cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, nhanh chóng. Ảnh: T. Thảo

Ngành ngân hàng đẩy mạnh cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, nhanh chóng. Ảnh: T. Thảo

* Phóng viên: Phó thống đốc đánh giá như thế nào về kết quả đạt được trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “TDĐ” trong thời gian qua?

- Phó thống đốc Đào Minh Tú: Trong hơn 2 năm qua (kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019), có thể nói các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “TDĐ” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thấy rõ nhất là nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đã được nâng cao. Ngành ngân hàng cũng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “TDĐ”.

Thời gian qua, chúng ta đều thấy rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động “TDĐ” được triển khai tích cực; công tác quản lý nhà nước được siết chặt (nhất là đối với các cơ sở kinh doanh liên quan đến lĩnh vực cho vay, cầm đồ, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê); việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa nhất là công tác tuyên truyền có sự chuyển biến mạnh mẽ; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan hoạt động “TDĐ” tiếp tục đạt nhiều kết quả.

Bên cạnh đó, các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng từ món vay giá trị lớn đến món vay tiêu dùng nhỏ lẻ (tối thiểu 2 triệu đồng) thông qua các hình thức cho vay trả góp tại các siêu thị, cửa hàng điện máy, mở thẻ tín dụng, thấu chi qua tài khoản, cho vay tiền mặt… với sự tham gia của tất cả các loại hình tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, công ty tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tài chính vi mô). Nhiều tổ chức tín dụng đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…), các tổ chức công đoàn, bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp.

 Đặc biệt, một số ngân hàng như: Agribank đã tích cực triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày; Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo… Tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của “TDĐ” vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, có lĩnh vực còn tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, mặc dù trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã cho thấy sự đồng hành, quan tâm của ngành ngân hàng chung tay cùng xã hội ngăn ngừa hoạt động “TDĐ”.

* Những thách thức nào sẽ phải đối mặt với loại tội phạm này trong thời gian tới, thưa Phó thống đốc?

“UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân. Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn”.

(Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú)

- Tuy bước đầu đã đạt được kết quả nêu trên nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn nhận, nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “TDĐ”, trong cung ứng tín dụng chính thức hiện nay đang phải đối mặt. Đó là việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “TDĐ” sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là tình trạng các đối tượng hoạt động “TDĐ” chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động.

Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động “TDĐ” ngày càng gia tăng phức tạp, nhưng việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (App), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi còn hạn chế. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “TDĐ” để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma túy, kinh doanh phi pháp...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “TDĐ” trở nên căng thẳng hơn khi người dân có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng. Từ đó sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như: công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên... nhiều người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay lãi nặng do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn.

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Chi nhánh Bến Tre. Ảnh: Thanh Hải

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Chi nhánh Bến Tre. Ảnh: Thanh Hải

* Theo Phó thống đốc, những giải pháp nào cần ưu tiên trước mắt để ngăn chặn, đẩy lùi “TDĐ”?

- Trên cơ sở nhận diện được những thách thức, với sự tham gia đầy đủ của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các cơ quan báo chí, theo tôi, các đơn vị cần quan tâm triển khai đồng bộ một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “TDĐ”. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “TDĐ” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “TDĐ”. Đồng thời, có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “TDĐ”.

 Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Phải xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay “TDĐ”. Dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn. Thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “TDĐ”.

* Xin cảm ơn Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam!

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “TDĐ”. Trong đó, tập trung mở rộng tín dụng hiệu quả, phát triển đa dạng các mô hình thanh toán hiện đại, ứng dụng công nghệ số; triển khai các sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Đẩy mạnh cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn các kênh tín dụng chính thức. Thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của ngân hàng, các thủ đoạn và tác hại của “TDĐ”

Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động, đặc biệt là trường hợp cán bộ, nhân viên hoạt động ngân hàng cấu kết, tiếp tay cho “TDĐ”.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng cho vay trái pháp luật, các đối tư

(Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành)

Hoàng Hải Trà (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN