Cảnh báo về “hụi ma”

15/07/2019 - 07:03

BDK - Thỉnh thoảng, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra bể hụi, nợ tiền vay với số tiền lớn khiến cho nhiều gia đình phải lâm vào cảnh nợ nần, sa sút kinh tế. Người chơi hụi (hụi viên) vì quá hám lợi đã gom góp tiền bạc, tài sản để chơi hụi hoặc cho người huy động vốn (thường là chủ hụi) vay với lãi suất cao nhằm kiếm nhiều lãi. Hầu hết các trường hợp bể hụi, người bị thiệt thòi vẫn luôn là hụi viên (HV). “Hụi ma” thỉnh thoảng lại xảy ra và có thêm nhiều người là nạn nhân...

Các giấy tờ liên quan đến tranh chấp hụi, tiền vay do bà V. làm chủ. Ảnh: CPV

Các giấy tờ liên quan đến tranh chấp hụi, tiền vay do bà V. làm chủ. Ảnh: CPV

Bể hụi, tiền vay lớn

Tháng 2-2010, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm đã xảy ra vụ bể hụi lớn với số tiền hơn 3 tỷ đồng, do vợ chồng bà P. tổ chức làm hụi từ giữa năm 2008. Lúc đầu, bà P. làm hụi nhỏ, ít dây. Sau khi đã tạo được niềm tin của nhiều người, bà P. làm hụi lớn hơn, giá trị tiền nhiều hơn và nhiều dây hụi hơn (hụi ngày, hụi tuần, hụi giữa tháng, hụi tháng).

Vợ chồng bà đã sử dụng tiền do HV đóng góp để tiêu xài, mua sắm cá nhân và phô trương sự giàu có (giả tạo). Đầu năm 2010, bà P. tuyên bố bể hụi và bỏ trốn. Sau đó, cả 2 vợ chồng cùng tới Công an xã đầu thú và khai với cơ quan chức năng, vợ chồng bà đã làm “hụi ma”, thực chất của những dây hụi do bà làm chủ là lấy tiền của người này đưa cho người khác.

Đầu năm 2011, tại xã Thành Triệu đã xảy ra 2 vụ bể hụi và nợ tiền vay   với hơn 25 tỷ đồng. Vụ thứ nhất, xảy ra vào tháng 5-2011, do bà H.T.T. làm chủ. Bà T. đã huy động vốn với lãi suất cao (7 - 15%/tháng), lấy tiền của người cho vay trước để trả cho người cho vay sau trong thời gian dài. Sau khi bị đổ nợ, bà T. không có khả năng chi trả cho nhiều người, với số tiền lên đền trên 23 tỷ đồng và hơn 100 chỉ vàng.

Tháng 7-2011, tại xã Thành Triệu lại xảy ra vụ bể hụi do bà N.T.H.S. làm chủ. Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2008 đến khi vỡ nợ, bà S. làm chủ 25 dây “hụi ma” với nhiều giá trị khác nhau (hụi loại 300 ngàn đồng/tháng, hụi 1 triệu đồng/tháng, hụi 5 triệu đồng/tháng). Bà S. bị 117 HV đòi nợ với số tiền đóng hụi gốc là 2,47 tỷ đồng.

Tại xã Tân Trung (Mỏ Cày Nam), giữa tháng 7-2015, đã xảy ra vụ bể hụi lớn do bà H. làm chủ (tổng số tiền trên 10 tỷ đồng). Bằng cách trả lãi cao cho người tham gia chơi hụi, bà H. đã tập hợp được nhiều người tham gia. Ngoài ra, bà còn mượn tiền HV với lãi suất cao (từ 4,5 - 6%/tháng) nên có nhiều người đã “sập bẫy” của bà mà không hề hay biết. Khi bể hụi, nhiều người đã phải điêu đứng vì số tiền bỏ ra để “đầu tư” vào hụi lớn (trị giá từ vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng). Chủ hụi không có sổ sách ghi chép việc HV đóng tiền, mượn tiền của HV, ngày tháng giao hụi, trả tiền...

Cuối tháng 11-2016, nhiều người dân ở 2 xã Phước Thạnh, Hữu Định (Châu Thành) lại xôn xao vì bể hụi, tiền vay đã xảy ra. Theo thống kê của cơ quan chức năng, số tiền bà A. (chủ hụi) nợ của nhiều người là 2,6 tỷ đồng. Người chơi hụi có nhiều thành phần như bán vé số dạo, thợ hồ, người làm nghề mua gánh bán bưng, viên chức, cán bộ hưu trí... 

 “Hụi ma” ở xã Giao Long

Giữa tháng 11-2018 (âm lịch) cả chợ xã Giao Long (Châu Thành) xầm xì bàn tán vì hay tin bà H.T.V. (chủ hụi) tuyên bố bể hụi. Bà V. làm hụi từ năm 2010, với nhiều dây hụi có giá trị khác nhau (từ 1 - 5 triệu đồng/tháng). Người chơi hụi do bà V. làm chủ đa số là dân làm vườn, buôn bán thường trú tại xã.

Hội viên đòi nợ hụi bà V. không được đã làm đơn yêu cầu chính quyền xã Giao Long giải quyết. Một số người vì quá bức xúc đã gửi đơn tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành hoặc Tòa án nhân dân huyện.

Ngày 17-1-2019, Hội đồng hòa giải (UBND) xã Giao Long đã tổ chức hòa giải vụ tranh chấp tiền hụi, nợ vay giữa 11 người là HV với vợ chồng bà V.. Tham dự, có 9/11 HV (vắng mặt 2 HV). Tổng số tiền tranh chấp mà bà V. nợ của 9 người hơn 1,12 triệu đồng (số tròn).

Vợ chồng bà V. thừa nhận có tổ chức làm hụi với các nguyên đơn này, xin được trả lần các khoản nợ cho các HV. Kết quả, hòa giải thành được 3 trường hợp với số tiền 186,5 triệu đồng; còn lại số tiền bà V. nợ của 6 HV hơn 936 triệu đồng không thương lượng được.  

Bà L. (ấp Long Thạnh, xã Giao Long) bày tỏ: “Tôi nghĩ là người cùng xã với nhau nên tin tưởng bà V. chơi nhiều dây hụi lớn có, nhỏ có. Tôi cũng mua nhiều phần hụi với hy vọng hốt kỳ cuối để kiếm lời, nào ngờ đâu...”. Theo bà L., bà tham gia chơi hụi do bà V. làm chủ từ năm 2010. Lúc đầu, chỉ là hụi 500 ngàn đồng/tháng hoặc 1 triệu đồng/tháng. Bà V. giao hụi đúng hẹn và nhanh chóng nên được nhiều người tham gia. Khoảng cuối năm 2016, bà V. làm hụi lớn với nhiều dây từ 1 triệu đồng, 2 triệu đồng, 3 triệu đồng cho đến 5 triệu đồng/tháng. Bà L. đã tham gia chơi nhiều phần, nhiều dây và mua hụi. Tin tưởng vào chủ hụi, bà L. đã nhiều lần đóng tiền cho bà V. mà chẳng hề nghi ngờ. Hiện số tiền mà bà V. nợ của bà L. đã hơn 1 tỷ đồng.

Sổ sách liên quan tới việc hụi, bà V. không công khai rõ ràng. Chủ hụi chỉ cho HV xem danh sách người chơi và cho biết những người hốt hụi nhưng không làm sổ ký nhận tiền của HV đóng.

Cùng bức xúc, bà P. (ấp Long Hội, xã Giao Long) cho hay: “Khi bị HV đòi nợ, bà V. đã thẳng thừng tuyên bố đây là hụi ma, hụi ảo... từ từ sẽ trả sau”. Bà P. đã gom góp tài sản của gia đình, con cái để chơi hụi và cho bà V. mượn với tổng số tiền hơn 370 triệu đồng (trong đó, có 80 triệu tiền mượn). Theo bà P., sau khi bị HV đòi nợ ráo tiết, bà V. đã tiến hành tẩu tán tài sản bằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác (do con và cháu đứng tên). Hay tin, bà P. đã đến UBND xã Giao Long yêu cầu xác nhận việc bà V. đã đo đạc, tách thửa cho người khác (xảy ra vào ngày 18-6-2019)...

Hiện tại, người dân xã Giao Long rất bức xúc vì việc bể hụi do bà H.T.V. làm chủ và mong muốn ngành chức năng sớm làm sáng tỏ, giải quyết ráo rẽ vụ việc.    

 “Việc tổ chức hụi là hình thức giao dịch dân sự nên việc giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra một số trường hợp có người tổ chức làm “hụi ma”, dùng thủ đoạn gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Đối với những trường hợp này, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

(Luật sư Nguyễn Văn Tặng - Đoàn Luật sư Bến Tre)

PV.BĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN