Cảnh báo về những vụ bể hụi, tiền vay

26/10/2015 - 07:08

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng bể hụi và vỡ nợ tiền vay, khiến cho nhiều người phải lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Trong đó, nguyên nhân chính của những vụ “đổ nợ” này là do nhiều người đã quá hám lợi, mù quáng bỏ tiền ra để cho vay hoặc chơi hụi với mong muốn lấy số tiền lãi cao.

Những vụ bể hụi, tiền vay lớn thời gian qua

Cách nay 18 năm (1997) ở xã Lộc Thuận (Bình Đại) đã xảy ra vụ bể hụi lớn với số tiền 1,14 tỷ đồng, do bà Đ.T.K.T. làm chủ. Là người khá giả tại địa phương, bà T. tổ chức hụi và được nhiều người tham gia. Thời gian đầu, bà giao tiền cho những người hốt hụi rất sòng phẳng. Lâu ngày, “tiếng lành đồn xa” nên số hụi viên của bà ngày càng đông, bà T. làm thêm nhiều dây hụi nữa. Năm 1997, khi bà T. tuyên bố bể hụi khiến cho gần 100 người phải khốn đốn vì họ đã bỏ tiền rất nhiều vào hụi. Năm 1999, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử vụ án này, tuyên phạt bị cáo T. 16 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tháng 6-2003, bể hụi lớn xảy ra tại xã Mỹ Nhơn (Ba Tri), có 59 người liên quan, chủ hụi là bà Đ.. Tại địa phương, gia đình bà Đ. sống bằng nghề mua bán cám, lúa kẹ (lúa bị lép) dành cho gà vịt ăn. Sau đó, bà Đ. tổ chức chơi hụi. Lúc đầu là hụi nhỏ, bà Đ. thanh toán tiền rất đúng hẹn cho hụi viên. Một thời gian sau, bà Đ. gầy thêm nhiều dây hụi khác với số tiền lớn hơn. Giữa tháng 6-2003, nhiều người dân xã Mỹ Nhơn và các xã lân cận phải “tá hỏa” khi được tin vợ chồng bà Đ. đã bỏ trốn. Tổng số tiền vốn gốc của hụi viên đóng vào là 1,84 tỷ đồng. Một số người đã tới nhà bà Đ. “siết của” bằng cách khuân dọn bàn ghế, tháo gỡ cửa kính đem về nhà mình.

Giữa năm 2007, xảy ra vụ bể hụi ở xã Hưng Lễ (Giồng Trôm) với số tiền 1,7 tỷ đồng. Chủ hụi là bà H.T.M.. Tham gia trong vụ này có 234 hụi viên. Điều đáng chú ý là có những người rất nghèo, họ sống bằng nghề làm thuê, cuốc mướn trở thành nạn nhân của bà M..

Tháng 2-2010, bể hụi lớn với số tiền hơn 3 tỷ đồng tại xã Lương Hòa (Giồng Trôm). Khoảng tháng 2-2008, vợ chồng bà M.T.P. rủ rất nhiều người chơi hụi. Ban đầu, bà P. làm hụi nhỏ, ít dây. Bằng cách ăn nói khéo léo, hào phóng với hụi viên, bà P. tạo được niềm tin của nhiều người và làm hụi lớn. Đến lúc không có khả năng thanh toán cho hụi viên, vợ chồng bà P. bỏ trốn, sau đó tới công an xã đầu thú và khai với cơ quan chức năng, thực chất của những dây hụi do bà làm chủ là lấy tiền của người này đưa cho người khác. Bà đã đánh động lòng tham thu lãi cao của nhiều người, dẫn dụ họ chơi hụi.

Tại huyện Châu Thành, trong những tháng đầu năm 2011 đã xảy ra hai vụ bể hụi và nợ tiền vay ở cùng xã Thành Triệu. Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 5-2011, do bà H.T.T. làm chủ. Bằng chiêu thức huy động vốn với lãi suất cao (từ 7 - 15%/tháng, bà T. đã lấy tiền của người cho vay trước để trả cho người cho vay sau và bị đổ nợ, không có khả năng chi trả. Theo kết qua xác minh bước đầu của cơ quan chức năng, bà T. nợ của hơn 40 người với số tiền trên 25 tỷ đồng và 122 chỉ vàng. Hai tháng sau (tháng 7-2011), tại xã Thành Triệu lại xảy ra vụ bể hụi do bà N.T.H.S. làm chủ. Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2008 đến khi vỡ nợ, bà S. làm chủ 25 dây hụi, gồm 13 dây hụi loại 300 ngàn đồng/tháng, 11 dây hụi một triệu đồng/tháng, 1 dây hụi năm triệu đồng/tháng. Bà S. đã huy động rất nhiều hụi viên đóng tiền vào, nhưng chỉ có một số ít người được hốt và đã chiếm dụng số tiền lớn. Theo thống kê, có 117 đơn khiếu nại của hụi viên với số tiền đóng hụi gốc là 2,47 tỷ đồng. Sau đó, hồ sơ liên quan đến hai vụ án này đã được chuyển đến Tòa án nhân dân huyện Châu Thành giải quyết.

Cảnh báo thêm về bể hụi, tiền vay

Hiện nay, nhiều người dân ở xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đang bàn tán xôn xao về một vụ bể hụi, tiền vay do bà H. là chủ hụi. Với “công thức” trả lãi cao cho người tham gia chơi hụi: hụi viên đóng 57 triệu đồng/tháng, được lãi 2 triệu đồng và lãi được tính nhập vốn, nếu hụi viên không lấy lãi hàng tháng; chủ hụi mượn tiền của hụi viên và tính lãi ngày là 1,5 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày. Chủ hụi đã huy động được nhiều người tham gia, với đủ thành phần xã hội, trong đó có một số người cũng là chủ hụi. Sau một thời gian chi “đẹp” cho hụi viên, khoảng giữa tháng 7-2015, chủ hụi không chi trả tiền lãi cho hụi viên, cũng không giao tiền hụi cho những người tới thời hạn hốt hụi nữa. Sự việc này không phải chỉ diễn ra có 1 hoặc 2 ngày mà nó là dài ngày. Xảy ra bể hụi, tiền vay tại xã, nhiều người nhốn nháo. Một số người có chứng từ “giấy trắng, mực đen” để “ăn nói” thì có hy vọng lấy lại được vốn liếng đã bỏ ra. Tuy nhiên, cũng có một số người vì quá tin tưởng vào chủ hụi nên đã ghi chép qua loa; tất nhiên, chủ nhân của những trường hợp này đang cố gắng kiện chủ hụi để lấy lại tài sản đã mất. Theo ghi nhận bước đầu, tổng trị giá tài sản của những người dân tham gia chơi hụi, cho vay trong vụ bể hụi tại Tân Trung khoảng 10 tỷ đồng; trong đó, có một số người bị thiệt hại nhiều (mỗi người khoảng vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng) như: bà H. (xã Tân Trung), bà N., bà Tr. (xã Hương Mỹ), bà Th. (xã Cẩm Sơn)…

Chơi hụi với mục đích tương trợ nhau là cách làm hay và cần được nhân rộng. Ngược lại, tổ chức chơi hụi để lấy lãi cao, cho vay nặng lãi là vi phạm  pháp luật và dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng khác. Mong rằng, mọi người cần nên cảnh giác trước những món lãi to từ hụi, đừng để “tiền mất, tật mang”.

Điều 479 Bộ luật Dân sự quy định về “Họ, hụi, biêu, phường”

- Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

- Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN