Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại xã Phong Mỹ (Giồng Trôm) bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, giúp hộ nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Lê Văn Cảnh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiệu quả kinh tế so sánh đối chứng giữa mô hình thí điểm và sản xuất đại trà đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Quy trình sản xuất khép kín có sự liên kết “bốn nhà” đã giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân”.
Trong vụ Đông - Xuân năm 2012-2013 vừa qua, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phá hại nhiều, ảnh hưởng đến năng suất chung cả tỉnh, nhưng trên CĐML xã Phong Mỹ năng suất vẫn cao hơn so với các diện tích sản xuất đại trà trong huyện. Mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP bước đầu đã đem lại kết quả đáng kể. Nếu so với ruộng đối chứng, mô hình sản xuất theo hướng vietGAP giảm được 15% - 25% lượng phân đạm. Kết quả, qua các vụ Đông - Xuân, Hè - Thu và Thu - Đông cho thấy hiệu quả kinh tế mô hình CĐML xã Phong Mỹ cao hơn sản xuất đại trà khoảng 11,6 triệu đồng/ha.
Nếu tính trong vụ Đông - Xuân 2013 vừa qua, mô hình sản xuất theo hướng VietGAP tại xã Phong Mỹ có chi phí đầu tư trên một héc-ta là 15,909 triệu đồng, năng suất thu hoạch đạt 6,2 tấn/ha. Trong khi đó, diện tích ruộng đối chứng đầu tư trên 1ha là 16,858 triệu đồng, nhưng năng suất chỉ đạt 5,6 tấn/1ha. Như vậy, mô hình thí điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP ở xã Phong Mỹ bước đầu đã khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh Bến Tre hướng đến xây dựng và phát triển mô hình CĐML trên toàn tỉnh.
Theo kế hoạch vụ Hè - Thu năm nay, Giồng Trôm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình CĐML sản xuất theo hướng VietGAP ra ba xã vùng lúa của huyện, gồm: Bình Thành, Lương Quới và Phong Mỹ. Đến nay, xã Phong Mỹ mở rộng diện tích thêm 70ha, tăng 150ha. Ngoài việc liên kết với Công ty hóa nông Hợp Trí cung ứng vật tư và biện pháp khoa học kỹ thuật sản xuất, huyện còn đầu tư thêm nguồn vốn ngân sách để nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho cả cánh đồng. Điều này sẽ mở ra triển vọng cho lĩnh vực trồng lúa của huện phát triển theo hướng an toàn và bền vững.