Người dân mua sắm Tết . Ảnh N. Minh
Nhiệm vụ trọng tâm của các đội quản lý thị trường là tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm. Chủ động có kế hoạch, phương án phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất đối với các lĩnh vực như: Phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả đề nghị rút giấy phép kinh doanh, chuyển cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương tập trung triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường; vận động các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cơ sở kinh doanh tham gia bán hàng bình ổn giá đợt Tết.
Các đội quản lý thị trường thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến giá cả thị trường. Đặc biệt, cập nhật thông tin về giá cả các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, phát hiện và ngăn chặn việc găm hàng, tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo để tăng giá bất hợp lý.
Phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra việc thực hiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu, khối lượng tịnh của hàng hóa bao gói sẵn, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói để tăng giá, thu lợi bất chính.
Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… trên các tuyến đường thủy và bộ.
Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tham mưu kế hoạch cao điểm phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thành lập 9 đoàn phối hợp với các huyện, thành phố và 1 đoàn phối hợp với sở, ngành tỉnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
Trong thực hiện kiểm tra, kiểm soát, các đội và đoàn nhất quán không gây tác động xấu đến thị trường sản xuất, kinh doanh; không làm ảnh hưởng, gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm việc bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; kịp thời xử lý ngay những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
Quan kiểm tra nhằm phát hiện các phương thức, thủ đoạn lợi dụng kẻ hở của các quy định để vi phạm. Từ đó, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và đề ra giải pháp khắc phục; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phúc, năm nay, các nhà phân phối không tập trung hàng hóa về một đầu mối trên địa bàn TP. Bến Tre mà phân phối trực tiếp xuống các huyện. Cộng với việc hàng hóa mua bán qua mạng phát triển khá mạnh. Khách hàng đăng ký mua sản phẩm qua mạng được giao sản phẩm tận nơi. Cho nên, không khí mua sắm hàng hóa Tết tại các trung tâm huyện, thành phố có phần lắng dịu hơn những năm trước đây. Một thực tế nữa là từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều sản phẩm của nông dân làm ra bán với giá không cao. Trong khi đó, chi phí đầu vào như: Phân bón, thuốc trừ sâu… tăng mạnh, một số sản phẩm giá tăng gấp đôi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Trần Quốc