|
Trụ điện quốc gia 110 KV có nguy cơ bị sạt lở. |
Kỳ 1: Phập phồng đất cồn Phú Đa
Cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) có chiều dài hơn 4 km với diện tích trên 300 ha. Do ảnh hưởng dòng chảy của sông, mỗi năm đất cồn bị sạt lở vào mùa nước lũ nhưng nhờ nhân dân cùng chung sức ngăn chặn, bồi đắp nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Những năm gần đây, do khai thác cát sông không theo quy hoạch, đặc biệt là nạn trộm cát nên cồn Phú Đa bị sạt lở nhiều nơi, trong đó mỏm cồn ấp Phú Bình bị trôi mất với chiều dài hơn một cây số. Thiệt hại về nhà cửa, cây trồng rất lớn.
Bến Tre hiện có 11 giấy phép khai thác cát lòng sông do UBND tỉnh cấp cho các đơn vị: Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Bến Tre và các hợp tác xã khai thác cát (HTX) gồm HTX Việt Hùng-TP. Bến Tre, HTX Bình Đại, HTX Giồng Trôm, HTX Ba Tri, HTX Mỏ Cày. Những đơn vị này đều làm thủ tục đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi khai thác, đồng thời chịu sự quản lý của cơ quan chức năng theo từng địa bàn mỏ trên cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt (tổng cộng có 11 mỏ cát). Song trên thực tế, tình trạng khai thác cát tràn lan, nạn trộm cát liên tục xảy ra và thiếu sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng đã dẫn đến sạt lở đất dọc theo hai bờ sông, nghiêm trọng nhất là tại cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách.
Thức đêm canh giữ đất cồn
Trong vai người đi du lịch, tôi thuê một chiếc đò máy nhỏ chạy vòng quanh cồn ấp Phú Bình. Sông Cổ Chiên hiền hòa đang nhửng lớn con nước chiều. Sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn ghe, tiếng máy nghe đều đều và gió mát tạo cho người đi dạo cảm giác dễ chịu. Nhưng đối với tôi thì không vì cảm thấy xót xa trước cảnh những nền nhà, cây trái (kể cả cổ thụ) dọc theo bờ cồn bị chìm dần trong nước. “Kìa, kìa…nó kìa”, tiếng anh lái đò cắt dòng suy nghĩ của tôi, phía trước có ba chiếc ghe đang hút cát. Tôi ngó quanh để tìm phao báo vị trí mỏ cát nhưng không thấy. Chủ đò cho biết: “Phao mỏ cát hả, phần thì bị đứt trôi mất hoặc bị trộm cát chặt bỏ rồi. Mấy chiếc này hút cát vùng cấm đó”. Sau khi dặn “bác tài” nhớ giữ cự ly an toàn, chúng tôi tăng tốc tới chiếc gần nhất. Nép mình trên ghe, tôi ngắm kỹ và chụp ảnh chiếc ghe mang biển số VL-1279. “Chiếc này chở trên 40 khối cát”, anh lái đò cho biết. Tới một chiếc ghe khác, tôi ghi ảnh hoạt động trộm cát mà họ chẳng hề hay biết. Chủ đò hướng lái về chiếc VL-1279, tôi vẫy tay chào thân thiện với hai thanh niên trên ghe. Một anh thấy tôi đeo lủng lẳng máy ảnh liền hỏi: “Chụp hình chi vậy sư phụ?”. “Việt kiều đi dạo, thấy cảnh đẹp chụp chơi đó ông ơi”, chủ đò đáp gọn. Nghe vậy, anh ta cười toe toét. Khi chúng tôi tiến tới chiếc ghe sắt ở khoảng cách xa hơn, dường như bọn trộm thấy động nên vội vàng nhổ neo chạy về hướng Vĩnh Long. Trước khi đi, một tên giơ nắm đấm lên cười đểu rồi móc điện thoại di động ra gọi cho ai đó -Tôi giục lái đò đuổi theo. Bọn trộm tăng tốc, sóng gợn thành luồng mạnh hất ghe chúng tôi ra xa. Anh lái đò chậc lưỡi: “Tụi nó xài máy công suất lớn, mình làm sao rượt kịp?”.
Sạt lở cồn tại ấp Phú Bình.
Mặt trời xuống nhanh, những mảng sáng màu đỏ cam phía chân trời phản chiếu xuống nước lung linh trông rất đẹp. Phía bên kia sông Cổ Chiên là địa phận xã Mỹ An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long đang lên đèn. Bấy giờ có nhiều ghe chở hàng, trong số đó có cả những chiếc xà lan đầy ắp cát được khai thác trái phép từ Bến Tre chở đi. Trên bầu trời Phú Bình, chim dang hàng ngang thành đàn đang bay về tổ ấm. Bất giác, tôi nghĩ tới những người dân nơi đây, họ lại không được yên giấc vì còn phải thức để canh chừng bọn “cát tặc”.
Ba giờ sáng 21-11-2009, tiếng động cơ vang rền làm tôi giật mình thức giấc. Anh chủ đò đã dậy tự bao giờ, tay cầm điếu thuốc rít liên tục, căng mắt hướng về phía phát ra tiếng máy nổ. Chiếc đò nhỏ lại đưa chúng tôi băng mình trong màn đêm. Sông Cổ Chiên tối om (do thông thạo đường, chủ đò cho biết thuộc địa phận cồn Phú Đa), ánh đèn phát ra từ những ghe trộm cát giúp tôi biết hiện có trên chục chiếc tại khu vực này. Tiếng động cơ, tiếng cát bơm chảy vào khoang và tiếng hối thúc nhau của kẻ trộm đã làm cho lòng sông ồn ào như một phiên chợ đêm. Chủ đò tắt máy, thả gần chiếc ghe bơm cát ở gần, tôi nghe rõ mồn một tiếng chửi thề của bọn trộm. Sợ tôi nôn nóng, anh chủ đò nhắc nhở: “Coi chừng nó phát hiện xịt vòi nước sang chỗ mình là tiêu đó. Mấy bữa trước, dân tụi tui tới cản họ hút cát thì bị xịt nước làm té xuống sông”. Rời mục tiêu, chúng tôi bám theo những chiếc ghe trộm khác, chứng kiến cảnh hút cát sông gấp rút theo kiểu trộm và tiếng bọn họ kháo nhau về chuyện nhậu nhẹt, đàn bà. Chờ lúc trời hửng sáng, tôi ghi được ảnh của chiếc ghe trộm cát biển số VL-5022 cùng chiếc ghe sắt biển số VL-1248. Bấy giờ, những ghe này đã đầy cát và nhổ neo chạy. Bọn chúng cười nói lớn tiếng, hả hê với những gì “gặt hái” được sau một chuyến trộm đêm…
Trên đường về, tôi được anh Cao Chí T (ấp Phú Bình) cho biết: “Tối qua, bọn trộm đem ghe sắt tới hút cát sông gần đất của tôi. Gia đình tôi đốt đèn bình ra đứng nhìn mà ruột gan cứ như lửa đốt”. Anh T có hơn hai mẫu đất vườn chuyên trồng nhãn, mỗi năm thu hoạch khoảng vài chục tấn. Từ khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng phải di dời nhà dân cho tới giờ, anh luôn mang tâm trạng phập phồng. “Có nhiều đêm tôi thức trắng không ngủ được do bị ám ảnh bởi sạt lở và bởi tiếng máy nổ từ những ghe hút cát trộm”, T nói. Cùng đêm này, người hàng xóm của anh là Sáu L lớn tiếng ngăn cản bọn trộm thì bị chúng hăm dọa: “Mầy hả Sáu L, mai mốt qua chợ là biết tay tao”.
“Trắng tay” vì bị sạt lở
Chỉ tay về phía mé sông, bà Trần Thị Xinh bức xúc: “Tôi sống ở đây đã lâu đời, chưa bao giờ xảy ra sạt lở như vầy… cũng tại lấy cát sông mà ra. Trong vòng một, hai năm nữa thôi, nhà tôi chắc bị lở mất”. Bà Xinh cho biết nhà của anh Tâm (con trai bà) bị sạt lở gần tới nền nhà. Ý nguyện của bà lão 87 tuổi này là muốn giữ lại phần đất mà ông cha bà đã gầy dựng từ bao đời nay. Ông Sáu Mập ở gần nhà bà Xinh có 5 công đất vườn. Sợ đất bị sạt lở sẽ “trắng tay”, năm 2008 ông Sáu phải bán hết phần đất này cho một người nuôi cá tra ao với giá rẻ bèo 20 triệu đồng, khi hai bên mua-bán vừa chồng tiền xong cũng là lúc đất bị lở, trôi mất. Với số tiền quá ít trong tay, ông Sáu không biết phải làm gì, còn người mua thì xem như mất trắng.
Cùng mang tâm sự, ông Đỗ Văn Bảy (80 tuổi) thắc thỏm: “Trộm cát sông xảy ra như vầy, nếu không ngăn chặn thì chỉ vài ba năm nữa là cồn Phú Đa kể như đi đứt”. Hàng mấy mươi năm lập nghiệp tại đây, ông Bảy tạo dựng được cho con cháu hơn chục ha đất vườn. Cháu nội ông, anh Đỗ Văn Giúp, bốn năm về trước từng là thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi (được báo cáo điển hình cấp toàn quốc), hiện nay đang trong tình cảnh lao đao. Trước đây, thấy đất bị sạt lở nhiều, anh chuyển hướng từ trồng cây ăn trái sang đầu tư nuôi cá tra. Sau nhiều vụ thu hoạch, anh tích lũy vốn nuôi được 6 ao cá (diện tích khoảng 6 ha, trị giá trên một tỷ đồng). Giờ thì tất cả đã trôi sông. Gia đình anh, có 11 nhân khẩu, đang sống trong một căn nhà nhỏ trên diện tích đất đã bị sạt lở chỉ còn hơn một công. Vậy mà… họ chưa chắc gì đã được ở tại đây đôi ba năm nữa. Hiện ấp Phú Bình đã có trên 100 hộ dân trở nên “trắng tay” do bị sạt lở, họ phải bán rẻ nhà cửa, đất đai để tìm chỗ khác sinh sống. Trưởng ấp Nguyễn Văn Bê cho biết: “Người dân ở đây rất ý thức trong ngăn chặn trộm cát sông nhưng bị bọn trộm hăm dọa, thách thức đủ điều nên rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”. Để minh chứng, anh Bê cùng hai người dân thuê đò chở tôi tới khu vực cồn Dung (thuộc tổ tự quản số 15,16) trên sông Cổ Chiên. Tại đây, có chiếc xà lan đầy cát neo lại cùng hai chiếc ghe ủi xà lan (biển số LA-04980 và LA-04028). Anh Thuận (tổ 15) cho biết: “Xà lan này hoạt động suốt đêm, giờ đầy nhóc cát rồi”. Gần đó có một chiếc xáng cạp đang múc cát trộm đổ vào một xà lan khác. Bị động, bọn chúng nổ máy chạy sang địa phận Vĩnh Long.
Thiệt hại tài sản của người dân là vậy, các công ty và doanh nghiệp nuôi thủy sản tại cồn Phú Đa như Cadovimex II Việt Nam, Vĩnh Nguyên, Vạn Đức… đã đầu tư rất nhiều vốn vào đây cũng đang bị ảnh hưởng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là trụ điện cao thế quốc gia 110 KV dẫn điện từ Vĩnh Long sang Bến Tre (đặt tại ấp Phú Đa), được thi công lắp đặt từ năm 2007 đến nay vừa hoàn thành phần trụ, trị giá hơn ba tỷ đồng đang có nguy cơ sụp đổ do bị sạt lở. Hiện tại, trụ điện này chỉ cách bờ sông khoảng 20 mét…
Kỳ 2: Đâu là giải pháp hiệu quả?