Chăn nuôi heo thịt theo hướng an toàn sinh học

29/12/2020 - 18:42

BDK - Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam vừa tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo thịt (heo ngoại) theo hướng an toàn sinh học tại xã Thành Thới B.

Cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình giải đáp một số ý kiến của hộ chăn nuôi tham gia mô hình

Cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình giải đáp một số ý kiến của hộ chăn nuôi tham gia mô hình

Đây là mô hình nằm trong dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam Bộ” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang thực hiện từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương.

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 8 đến hết tháng 12-2020, gồm 10 hộ tham gia với tổng số heo giống là 100 con. Tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được hỗ trợ 70% chi phí con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc-xin, thuốc thú y và thuốc sát trùng.

Qua đánh giá của ngành chức năng, mô hình cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Các hộ tham gia thực hiện tốt việc đối ứng của mô hình; đàn heo phát triển tương đối tốt và đồng đều. Sau khi xuất chuồng, với giá heo thịt như hiện nay, lợi nhuận đạt trên 13,5 triệu đồng. Tuy không cao nhưng vẫn đảm bảo cho người chăn nuôi an tâm tái đầu tư sản xuất.

Lý giải về mức lợi nhuận trên, ngành chức năng cho biết, nguyên nhân lợi nhuận không cao là do trượt giá heo giống (thời điểm triển khai giá heo giống là 100 ngàn đồng/kg, đến khi nhập heo giống thì giá đẩy lên 190 ngàn đồng/kg) và tỷ lệ heo hao hụt chiếm 10% so với tổng đàn (do sự thay đổi về thời tiết, dịch bệnh tiêu chảy cấp bùng phát và hộ nuôi chưa có kinh nghiệm nhiều trong khâu chăm sóc heo ngoại)…

Kỹ sư Nguyễn Chánh Bình - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: “Mô hình chăn nuôi heo thịt (heo ngoại) theo hướng an toàn sinh học tuy chỉ mới thành công bước đầu nhưng đã góp phần hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, tiếp tục duy trì và phát triển nghề chăn nuôi heo sau dịch bệnh, giải quyết việc làm cho hộ gia đình; đồng thời, nâng cao ý thức, kinh nghiệm cho hộ nuôi trong việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong khâu phòng bệnh cho vật nuôi…”.

Tin, ảnh: Ngọc Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Nguyễn Văn Đô Cách đây 24 năm

    Gởi Ad Báo Đồng Khỏi.<br /> <br /> Hiện tại dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dung lại. Gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Nông dân ở Bến tre nói chung, đặc biệt huyện Mỏ Cày Nam nói riêng. <br /> Tuy nhiên, chưa thấy bất kì hành động hỗ trợ nào từ viêc tư vấn điều trị, tiêm phòng hay nghiên cứu thuốc trị trước, trong và sau khi dịch từ các cơ quan có trách nhiệm : Phòng NN va PT NT, So TNMT..và ngày thú y. Trách nhiệm của các cơ quan này là gì ? Trách nhiệm người đứng đầu ngành ra sao?<br /> Vui lòng phản hồi giúp ý kiến này về đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xme họ trả lời như thế nào.