Chất lượng lao động được nâng cao

01/06/2012 - 08:12
Học viên đang học nghề.

Luật Dạy nghề (LDN) có hiệu lực từ năm 2007. Cùng với cả nước, Bến Tre đã quan tâm đẩy mạnh đầu tư đối với công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Kết quả là trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được nâng lên, cơ cấu lao động của tỉnh từng bước chuyển biến theo hướng tích cực.

Sau 5 năm thực hiện Luật này, hoạt động đào tạo nghề, như: hệ thống các trường nghề được củng cố, ngành nghề đào tạo đa dạng hơn. Việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động dạy nghề được tỉnh chú trọng khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề được bình đẳng trong hoạt động dạy nghề và được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Trước khi LDN có hiệu lực, toàn tỉnh có 61 cơ sở dạy nghề, đến cuối năm 2011, có 18 cơ sở dạy nghề, đào tạo theo 3 cấp trình độ. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức dạy nghề với thời gian dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo được nâng lên, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chiếm 66%. Trong 5 năm, tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị dạy nghề là 146,2 tỷ đồng. Từ năm 2007-2011, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo 62.526 lượt người (bình quân mỗi năm có khoảng 12.500 lao động được đào tạo). Năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 44% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 17,1%.

Khi đã có nghề trong tay, người lao động tự tin hơn để lập thân lập nghiệp. Anh Lê Sĩ Sang - ngụ tại xã Hữu Định (Châu Thành) sau khi hoàn thành chương trình học công nghệ ô-tô của trường Trung cấp nghề Bến Tre đã cùng nhóm bạn góp vốn mở cửa hàng mua bán phụ tùng xe máy, xe ô-tô, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động. Chị Huỳnh Thị Ba - ngụ tại phường 8 (TP. Bến Tre), hàng ngày, từ nghề lãnh nấu đám tiệc, do Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn, chị đã có thu nhập ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề theo LDN vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Đó là kinh phí phân bổ hàng năm cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm vẫn chưa đáp ứng quy mô đào tạo. Xưởng phục vụ công tác dạy nghề được xây dựng tùy tiện, không theo qui định chung.

Về công tác tuyển sinh, nhiều đơn vị cho rằng theo xu hướng xã hội hóa công tác dạy nghề, nhiều trường đại học - cao đẳng hệ giáo dục chuyên nghiệp có thực hiện đào tạo nghề và các trường nghề chủ trương liên thông hay nâng cấp lên hệ đại học - cao đẳng. Hệ quả là có quá nhiều cơ sở, đơn vị có chức năng dạy nghề trong khi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy… chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với công tác giới thiệu việc làm sau đào tạo, ông Nguyễn Văn Tiếp - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bến Tre, hiện nay đang có tình trạng mất cân đối trong quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Hàng năm, các trường đều chủ động liên hệ với từng doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên của mình sau khi đào tạo, nhưng phía tuyển dụng lao động thì… thường là không mặn mà.

Qua 5 năm thực hiện LDN, công tác dạy nghề của Bến Tre phát triển nhanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN