 |
Đường nông thôn xã Châu Bình. Ảnh: H.Đức |
Trước đây, Châu Bình thường được ví là vùng đất “nước mặn, chà là gai”, việc đi lại chỉ bằng phương tiện đường thủy. Châu Bình nay là xã văn hóa và là xã hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005) với những đổi thay khá toàn diện; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 12,5 triệu đồng/năm. Cuối năm 2009, Châu Bình là xã dẫn đầu của huyện Giồng Trôm về chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn.
Đến xã Châu Bình (Giồng Trôm) vào những ngày sau Tết, chúng tôi cảm thấy lâng lâng bởi hình ảnh của cờ bay phất phới, người, xe lũ lượt trên đường quê. Không khí xuân dường như vẫn còn vương vấn nơi đây. Trong niềm vui đón Tết Canh Dần 2010, UBND xã Châu Bình chính thức làm lễ công bố hoàn thành chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn với sự tham dự của nhiều đại biểu ban ngành cấp tỉnh, huyện và nhân dân trong xã.
Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hùng hồ hởi: “Chúng tôi đã tích cực phấn đấu và được sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, đặc biệt là của Huyện ủy, UBND và các ngành của huyện nên hoàn thành lộ nông thôn sớm hơn dự kiến”. Đến cuối năm 2009, Châu Bình đã hoàn thành đường bê-tông nông thôn với tổng chiều dài 60.614m (có chiều ngang từ 0,6 đến 2,5m), tổng kinh phí xây dựng 9,02 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,65 tỷ đồng, còn lại là kinh phí của Nhà nước và vận động tài trợ; hoàn thành 56 cầu bê-tông cốt thép liên xóm, ấp với tổng chiều dài 1.119,5m, ngang từ 0,8 đến 2,6m, kinh phí 1,76 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 368 triệu đồng. Một trong những kinh nghiệm quan trọng giúp Châu Bình hoàn thành tốt chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn là lãnh đạo địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, việc triển khai thực hiện xây cầu, đường được tham khảo, lấy ý kiến của nhân dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các công trình từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành đều được công khai rõ ràng, minh bạch nên được quần chúng đồng tình ủng hộ cao…
Về quá trình hình thành đường giao thông tại xã Châu Bình, ông Đào Minh Huệ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Châu Bình là vùng căn cứ kháng chiến, trước đây đường giao thông chỉ có hương lộ 11. Sau phong trào Đồng Khởi, bộ đội ta chủ động cắt đường bộ để cắt đường tiếp tế của địch nên việc đi lại chủ yếu bằng đò, ghe là chính. Năm 1977, do triều cường nước mặn dâng lên ảnh hưởng đến các xã Bình Thành và thị trấn Giồng Trôm, lãnh đạo huyện chủ trương đắp đê ngăn mặn, con đường này trở thành lộ 173 (hiện nay đã được nhựa hóa)”. Khoảng đầu năm 2000, từ phong trào đổ đá đỏ các tuyến lộ liên ấp, liên xóm, Huyện ủy, UBND huyện có chủ trương xây dựng lộ bê-tông với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tại xã, đã xây dựng tuyến lộ 19-5 (dài 800m, rộng 2m, cao 0,1m, nền có lót vỉ sắt. Sau đó, xã tiếp tục xây dựng lộ 3-2 (dài 3.200m, ngang 2m, cao 0,1m). Thời điểm này, UBND xã Châu Bình đã có kinh nghiệm xây lộ bê-tông và UBND huyện có đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2001-2005 (với phương thức Nhà nước 30%, nhân dân đóng góp 70% trên tổng giá trị dự toán của công trình). Đảng ủy, HĐND, UBND xã Châu Bình đã thống nhất đây là thời cơ để xây dựng lộ giao thông nông thôn, tạo sự thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương, xã thống nhất chủ trương huy động nhân dân đóng góp theo đầu mẫu đất của từng hộ dân. Chủ trương này được triển khai thực hiện trong cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu, sau đó triển khai sâu rộng cho các đoàn thể cùng nhân dân. Trong quá trình thực hiện, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong xây dựng, thu - chi nên đã được sự ủng hộ cao của nhân dân.
Trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng, anh Mười Rạt-Tổ trưởng tổ 20 (ấp 5, xã Châu Bình) cho biết: “Lúc họp tổ để lấy ý kiến của nhân dân, chúng tôi cố gắng giải thích tiện ích của việc làm đường nông thôn như tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, giá đất lên cao, lúc bệnh đau cũng dễ bề đi lại. Nếu bà con đồng ý 100% thì vận động đóng tiền, cần khéo léo trong thu tiền bà con, chú ý hoàn cảnh của mỗi hộ mà thu nhiều lần cho phù hợp”. Bí thư chi bộ ấp 4 Đỗ Văn Bằng đóng góp kinh nghiệm: “Sau khi họp chi bộ phổ biến kế hoạch, chi ủy tính diện tích đất của từng hộ gia đình và gửi cho tổ NDTQ có kèm theo kế hoạch thu, trong đó có ý kiến đóùng góp của tổ trưởng. Trong suốt quá trình xây dựng, từ lúc mua vật tư cho đến thi công hay hoàn thành công trình đều có sự tham gia giám sát của bà con”. Phát biểu tại lễ công bố hoàn thành chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn, ông Võ Văn Phê-Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm đánh giá cao sức phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân xã Châu Bình và chỉ đạo cho chủ tịch UBND các xã còn lại trên địa bàn huyện cần học tập kinh nghiệm để hoàn thành đường giao thông nông thôn tại xã nhà. “Cần chú trọng thực hiện chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn, xem đây là tiêu chí thi đua, góp phần lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp”, Chủ tịch huyện nói.
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong thu - chi xây dựng công trình, Châu Bình đã sớm hoàn thành chương trình bê-tông hóa lộ nông thôn. Trong đó, có sự lãnh đạo sâu sát, phối hợp đồng bộ của Đảng ủy, HĐND, UBND cùng các ban ngành, đoàn thể xã và đặc biệt là sự đóng góp tích cực của các tổ trưởng tổ NDTQ, trưởng ấp và những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu.