Thời gian qua, huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về xuất khẩu lao động (XKLĐ) đến người dân. Huyện triển khai thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động XKLĐ có uy tín tư vấn, tuyển chọn lao động.

Đạt 95% so nghị quyết năm 2018
Các ngành, địa phương cũng đã cải cách đáng kể thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm phiền hà, công khai và minh bạch; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thuận lợi trong thủ tục vay vốn tín dụng, hỗ trợ học nghề.
Đến nay, toàn huyện có 76/80 hồ sơ đăng ký tham gia XKLĐ, đã bay 76 lao động, đạt 95% so nghị quyết năm 2018 và đạt 126,7% so với cùng kỳ. Dự kiến đến cuối năm 2018, có 100 hồ sơ đăng ký tham gia XKLĐ, đạt 125% so nghị quyết năm 2018 và 161,2% so với cùng kỳ.
Đa số lao động đi XKLĐ ở thị trường Nhật Bản có việc làm ổn định, thu nhập cao. Từ đó, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Anh Nguyễn Ngọc Nhật, ấp Tân Quới Ngoại, xã Tân Thạch cho biết. năm 2015, anh tham gia XKLĐ thị trường Nhật Bản. Nhờ công việc phù hợp, lại chịu khó lao động, mỗi tháng trừ các khoản chi phí, anh gửi về cho gia đình khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, anh Nguyễn Ngọc Nhật đã trở về nước.
Anh Ngọc Nhật tâm sự: “Khi qua bên Nhật, tôi được nghiệp đoàn hướng dẫn và giới thiệu về cách sống, văn hóa của người Nhật để áp dụng trong công việc thuận lợi hơn. Hiện nay, tôi đã về nước, đang tìm một công việc phù hợp và học bổ túc thêm tiếng Nhật. Tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn nào muốn tìm hiểu về thị trường lao động tại Nhật để có thể học hỏi phong cách làm việc, khoa học - kỹ thuật tại một nước phát triển, nhằm có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương trong tương lai”.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động
XKLĐ đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc thoát nghèo, ổn định thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền XKLĐ tại huyện chưa đều khắp; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn chưa chặt chẽ; vốn hỗ trợ cho các đối tượng tham gia XKLĐ còn hạn chế.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Minh Phước cho biết: Hàng năm, trên địa bàn huyện có từ 60 - 80 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Thời gian tới, huyện sẽ thành lập tổ vận động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này. Tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành tỉnh, đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở để tư vấn cho người lao động. Huyện thường xuyên chuyển tải thông tin về các chính sách cho người lao động, tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các đơn hàng các nước có thu nhập cao phù hợp với trình độ, năng lực địa phương.
“Huyện sẽ phối hợp với các ngành vận động lao động về nước đúng hạn, tận dụng các nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ chi phí cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách tại địa phương; tổ chức các lớp định hướng nghề, ngoại ngữ giao tiếp cho người lao động khi tham gia làm việc có thời hạn tại nước ngoài” – ông Nguyễn Minh Phước nhấn mạnh.
Trúc Lan