Châu Thành xem trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm

11/07/2013 - 15:49
May mặc là một nghề dễ tìm được việc làm sau đào tạo nghề.

Đào tạo nghề không chỉ tạo ra nguồn nhân lực lao động có kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề giải quyết việc làm là giải pháp giảm nghèo

Theo ông Phan Thanh Ngoan, cán bộ phụ trách công tác dạy nghề của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, thời gian qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau dạy nghề trên địa bàn huyện khá thành công. Sau 3 năm, từ 2010-2012, huyện đã đào tạo được 1.852 lao động nông thôn theo Quyết định 1956, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 55,3%; mô hình dạy nghề và đào tạo theo đơn đặt hàng của các đơn vị sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm 80%. Để đạt được tỷ lệ này, hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH đều tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch dạy nghề; phân bổ chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho các xã, thị trấn, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Ngành chú trọng công tác vận động, tuyên truyền theo tinh thần Quyết định 1956: người học nghề sẽ được hưởng ưu tiên, không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Lao động học nghề theo đối tượng 1 là những người thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách sẽ được hưởng 15.000 đồng/ngày thực học. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được cấp thẻ đỏ, hỗ trợ thêm tiền xăng 200.000 đồng nếu đi xa quá 15km. Còn lại đối tượng 2, 3 thì sẽ không phải đóng học phí. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là người nghèo. Ban chỉ đạo tỉnh chọn huyện Châu Thành làm điểm để triển khai mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, trên cơ sở đó huyện chọn 2 xã Quới Thành và Quới Sơn trong điều kiện phát triển các ngành công nghiệp ở địa phương. 2 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long có khả năng sử dụng lao động trong các ngành công nghiệp cao, giải quyết được việc làm, người lao động sẽ có thu nhập ổn định.

Hiệu quả lâu dài

Theo ông Ngoan, thời gian qua, Sơn Hòa thực hiện khá thành công việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định 1956. Ông Hồ Hoàn  Sơn, cán bộ phụ trách thương binh xã hội của xã cho biết: Trong năm 2011 và 2012, xã đã mở 4 lớp dạy nghề chăn nuôi gà sinh học với 27 học viên, trong đó có 2 hộ nghèo. 1 lớp nấu ăn với 30 học viên và 2 lớp thợ hồ có 30 học viên dự học. Thuận lợi của Sơn Hòa là tại địa phương có 2 doanh nghiệp xây dựng, do đó những học viên của lớp kỹ thuật nề khi ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định. Anh Hồ Minh Châu, hộ nghèo, ngụ tại ấp Hòa Trung - xã Sơn Hòa cho biết, sau khi học lớp kỹ thuật nề, anh xin vào làm tại doanh nghiệp Phúc Lộc Thành, thu nhập từ 140.000 đến 150.000 đồng/ngày. Hiện tại, gia đình anh đã chuyển sang hộ cận nghèo và anh đang phấn đấu đến cuối năm 2013 sẽ làm đơn xin thoát nghèo bền vững. Ông Sơn cho biết thêm, thời gian tới xã sẽ mở lớp may và kỹ thuật chăm sóc bon sai, cây kiểng để thu hút lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp họ có việc làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp học phi nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động giúp xã thực hiện thành công bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đào tạo nghề theo Quyết định 1956 nếu vận động được ý thức người dân, người lao động siêng năng, chăm chỉ thì thật sự mang lại hiệu quả, góp phần to lớn vào việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính chất bền vững trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. 

Bài, ảnh: Trung Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN