Chạy xe ôm nuôi con bệnh bại não

06/08/2014 - 07:24
Ngôi là của ông Cải được ghép nối từ nhiều manh màng.

Dọc theo đường Nhà Thi đấu, Phường Phú Khương (TP. Bến Tre), giữa dãy nhà kín cổng cao tường, lấp ló căn nhà tuềnh toàng nằm dưới tàn cây lưa thưa của ông Nguyễn Văn Cải. Hàng ngày, ông phải tất tả với những cuốc xe ôm để  mang về nguồn sống cho cô con gái bị bại não.

Hơn 30 năm sống với nghề chạy xe ôm, ông Cải nuôi cả gia đình gồm 5 nhân khẩu (vợ, hai người con gái và cháu ngoại). Người vợ nay ốm mai đau, đứa con gái út thì tay bồng tay bế nhưng vẫn cần mẫn với nghề may, chỉ mong chia sớt phần nào gánh nặng của người cha khắc khổ. Dù rất cố gắng, nhưng thu nhập có đáng là bao so với chi phí thuốc thang đành để những cơn co giật giày vò người con gái bị bại não.

Dãi dầu nắng mưa của cuộc mưu sinh đã làm cho da ông Cải ngày một sẫm màu, cơ thể nhỏ nhắn ngày thêm hao mòn. Người bạn đời ngoài sự đau lòng trước những vất vả của ông chẳng làm được gì khác hơn vì căn bệnh viêm khớp, bà đi lại hoàn toàn nhờ sự dìu dắt của cô con út, hôm nào khá hơn thì tự di chuyển bằng xe lăn. Gánh nặng gia đình ngày càng oằn nặng lên đôi vai già yếu.

Không khỏi chạnh lòng khi bước vào gian nhà mái tôn được che chắn bằng manh màng tạm bợ. Trong góc nhỏ chật hẹp ẩm thấp tạm gọi là căn phòng đang phát ra những âm thanh ú ớ. Ðó là tiếng đứa con gái bị bại não thiếu thuốc đang lên cơn co giật. Người phụ nữ có đôi chân teo tóp vì bị bệnh viêm khớp ngồi tiếp chuyện với chúng tôi là vợ ông. Qua vẻ nhợt nhạt xanh xao của bà, phần nào chúng tôi thấu hiểu cảnh túng thiếu và bệnh tật. Tài sản lớn nhất của gia đình ông là chiếc xe “cà tàng” được mua từ tiền vay ngân hàng và căn nhà cũ kỹ, xây dựng nhờ mảnh đất của người em trên 20 năm chưa lần tu bổ. Mái nhà chắp vá, tường hư mục, những đường ron hồ rơi rớt, nguy cơ ngã đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cả gia đình ông phải thấp thỏm mỗi khi mưa giông, gió lùa. Cơn gió lay nhẹ lá cây cũng làm ông Cải thót tim. Ông tâm sự: “Mùa mưa này trong lòng tôi cứ phập phồng, tối ngủ không yên, không biết căn nhà sập khi nào. Mưa xuống trong nhà cũng như ngoài sân. Chỉ tội đứa con bệnh nằm một chỗ bệnh tật mà không có được nơi lành lặn…”. Rồi cái buồn cho số phận và sự bất lực của một người cha hiện rõ trên gương mặt đầy nếp nhăn, trông ông già so với tuổi. Nỗi sợ hãi duy nhất của ông Cải lúc này là “không biết căn nhà có qua được mùa mưa bão?”.

Căn nhà trống trơn, chỉ vặt vụn nồi niêu xoong chảo và cái bàn “vừa được nhà kế bên cho”. Ngoài số tiền ít ỏi ông mang về, hàng ngày gia đình sống nhờ tình thương của bà con hàng xóm. Người cho chén cá, tộ canh, vài ký gạo cùng chính quyền địa phương góp bữa cơm cho gia đình ông. Hàng tháng, ông nhận 360 ngàn đồng tiền trợ cấp cho người con bại não và 30 ngàn đồng hỗ trợ gia đình nghèo (3 tháng nhận một lần). Vỏn vẹn mấy trăm ngàn từ lòng hảo tâm tất cả đổ dồn chạy chữa thuốc men cho vợ và đứa con bại não. Còn khoản nợ 7 triệu đồng của ngân hàng thì “hết khất tháng này rồi hẹn tháng tới”, ông Cải
tâm sự.

Ông Cải thấy cảnh vợ con đau ốm, ăn uống không đủ đầy, ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn “ráng chạy kiếm cơm gạo qua ngày”. Hôm nào chạy đắt lắm được 50 ngàn đồng, mùa mưa có khi cả ngày chẳng được người khách nào. Tiền không đủ cá mắm huống chi thuốc men cho con gái. Dẫu năm mươi hay trăm ngàn nhưng ông Cải không bỏ cuộc, cố gắng được ngày nào hay ngày ấy. Chẳng biết ông có thể gồng gánh cho cái tổ ấm xập xệ của mình thêm bao nhiêu năm nữa…. và căn bệnh bại não của người con gái sẽ bao giờ thuyên giảm khi thuốc phải “uống nhín”. Mỗi ngày thuốc mua đúng liều là 120 ngàn đồng/ngày nhưng phải chia làm 2 hoặc ba ngày để “nhín” như ông đã chia sẻ.

Ðiều kiện kinh tế gia đình như hiện nay không biết phần nợ ngân hàng bao giờ trả xong, rồi sức khỏe vợ con… nỗi lo toan phủ xuống người ông Cải. Rồi đây gia đình này sẽ đi về đâu khi sức khỏe ông ngày thêm yếu ớt vì tuổi tác! Từ giã gia đình ra về, nhìn cháu bé vẫy tay tạm biệt, lòng ái ngại cho hoàn cảnh éo le khốn khó của gia đình. Ông Cải cần lắm những vòng tay cảm thông chia sẻ của quí bạn đọc và các nhà hảo tâm.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN