Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hương, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) vừa được xây mới, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6-2024. Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN
Chỉ thị nêu rõ, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách trên đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Để chào mừng sự kiện kỷ niệm 80 năm thành lập nước và Quốc khánh ngày 2-9 (1945-2025); đồng thời thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới là: "... bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở", cũng như mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới: "Các chỉ đạo chủ yếu đến năm 2030:… xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người",góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Về mục tiêu, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên. Về quan điểm, quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ"; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp.
Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách theo các Chương trình, đề án, tiết kiệm chi,… hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các Bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11-2024. Chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước các biện pháp, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định. Đồng thời, là đầu mối cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước theo quy định.
Bộ Xây dựng khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025 ngay trong tháng 11/2024; tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành trong năm 2025. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong phạm vi Dự án 5: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 8-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025. Khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà tạm, nhà dột nát nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền để các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ, hoàn thành trước ngày 15-12-2024. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Bộ Tài chính khẩn trương cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở cho người dân từ chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đề xuất cho phép sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm 5% chi phí thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và được chuyển nguồn sang năm 2025 và trình Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội cho phép.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục vận động, tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý. Phối hợp với Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trung ương đến địa phương thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu. Căn cứ vào nhu cầu và nguồn lực của địa phương, phân bổ kinh phí từ Quỹ trung ương về địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Ủy ban Dân tộc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện Hỗ trợ nhà ở thuộc Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đảm bảo hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ngành, cơ quan liên quan, hoàn thành trong tháng 11-2024. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước), đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp giữa các Chương trình, các hoạt động hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan liên quan tập trung, ưu tiên tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt trong cả nước việc hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Đẩy mạnh tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025".
Các cơ quan thông tấn, báo chí có các giải pháp kịp thời tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết các công việc liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước theo quy định.