Ngày 19-9-2012, Chính phủ ra Nghị định số 71 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34 ngày 2-4-2010 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, ngày 10-11-2012, nghị định này bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xử phạt vi phạm giao thông, nhất là liên quan đến xe không chính chủ.
Theo pháp luật hiện hành không có điều luật nào qui định điều khiển xe không chính chủ là vi phạm pháp luật mà chỉ có chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định mới vi phạm theo điều 1, mục 8, điểm 6, khoản C của Nghị định 71 của Chính phủ. Vì vậy, người tham gia giao thông mượn xe là không có lỗi và khi tham gia giao thông bằng xe mượn cũng không có lỗi. Chỉ có xe không chuyển quyền sở hữu hay còn gọi là xe chưa sang tên đổi chủ theo qui định mới có lỗi. Luật giao thông đường bộ cũng qui định người tham gia giao thông phải mang theo đủ 4 loại giấy tờ khi lưu thông, gồm Giấy đăng ký xe, Sổ kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, Giấy phép lái xe phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế, khi người tham gia giao thông có dấu hiệu, hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thì công an sẽ dừng phương tiện mà người đó điều khiển để kiểm tra giấy tờ. Nếu xe là chính chủ với xe đăng ký lần đầu hoặc đã chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định, với xe cũ thì người đó chỉ chịu trách nhiệm với lỗi đã vi phạm giao thông. Nếu xe mua lại chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định thì phải chịu trách nhiệm thêm lỗi này. Hay trường hợp mượn xe mà vi phạm giao thông thì người vi phạm chỉ chịu trách nhiệm về lỗi mà mình vi phạm, người đó không bị phạt vì lỗi mượn xe nhưng phải chứng minh được xe mình mượn là hợp pháp. Thực tế hiện nay, tình trạng mua bán xe cũ hoặc mua bán lòng vòng không sang tên đổi chủ còn khá nhiều và gây thất thu lớn về thuế cho Nhà nước, rất khó kiểm soát cho lực lượng chức năng khi xảy ra tai nạn giao thông. Nguyên nhân có thể do người dân ngại làm thủ tục, chi phí sang tên đổi chủ còn cao, một số người cố tình trốn thuế (số xe chưa sang tên chiếm khoảng 30% tổng số xe thực tế đang lưu thông).
Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội khẳng định, đã chỉ đạo chưa xử phạt người điều khiển xe không chính chủ. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cũng đã có công điện số 114 ngày 11-11-2012 gởi Giám đốc công an các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông khi xác định rõ trường hợp có hành vi chuyển nhượng phương tiện mà quá 30 ngày không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt. Trường hợp đã mua bán nhưng chưa sang tên trong thời hạn 30 ngày, Cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở chủ phương tiện khẩn trương sang tên.Trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu thấy người điều khiển phương tiện đăng ký xe có tên khác với tên trên giấy phép lái xe của người điều khiển xe và người dân trình bày đây là xe gia đình, xe mượn, xe thuê thì chưa xử phạt với hành vi này. Sắp tới, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn, trong đó qui định khi người bị xử phạt hành chính rơi vào trường hợp giữa đăng ký xe và giấy phép lái xe không khớp nhau thì yêu cầu xuất trình chứng cứ sử dụng xe mượn, thuê, xe gia đình, chứ không bắt người dân mang theo hộ khẩu, lý lịch khi ra đường.