|
Người nuôi heo thua lỗ vì giá heo hơi giảm sâu và kéo dài. |
- Tổng đàn heo thịt của tỉnh vượt ngưỡng 700 ngàn/650 ngàn con theo quy hoạch đến năm 2020
Đề xuất, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo trong tỉnh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện là nội dung và tinh thần của cuộc họp chiều 15-5-2017 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chủ trì.
“Giữ mối”, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi là chủ
trương của ngành ngân hàng. Ông Lê Công Thành - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh tỉnh Bến Tre nêu giải pháp trước mắt: Ngành ngân hàng thực hiện cho
vay lãi suất giảm 2,5%/năm so với bình thường đối với người chăn nuôi, trang trại,
doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi heo. Các ngân hàng thương mại đang theo sát để
hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, kéo dài kỳ hạn nợ
vay, cho vay mới… Tuy nhiên, về lâu dài, Bến Tre cần quy hoạch giảm đàn, cân đối
cung - cầu, liên kết doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị con heo để ổn định
giá, phát triển bền vững.
Phân tích lý do cần quy hoạch giảm đàn trong thời gian tới,
ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, theo
quy hoạch đến năm 2020, tổng đàn heo toàn tỉnh là 650 ngàn con, con nái là 102
ngàn con. Trong khi hiện nay, tổng đàn đã vượt ngưỡng 700 ngàn con, nái trên
140 ngàn con. Về giải pháp tạm thời, ông Thái nêu: Nếu các đại biểu thống nhất
giải pháp họp tiểu thương, tiểu thương và thương lái để vận động điều chỉnh
giá, chia sẻ lợi nhuận hợp lý giữa các bên thì cần làm sớm, làm ngay, không để
chậm trễ nữa. Mời doanh nghiệp có khả năng tham gia liên kết thu mua heo hơi, với
giá khoảng 30 ngàn đồng/kg và bán lẻ với giá khoảng 50 ngàn đồng/kg.
Lãnh đạo UBND các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc cũng đề xuất
giải pháp ứng cứu người chăn nuôi: có cơ chế thoáng cho người kinh doanh, mua
bán thịt heo trên địa bàn nhằm mở rộng, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ, bán lẻ. Đồng
thời, hạ giá bán lẻ xuống hợp lý, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thịt heo. Một
số đơn vị, cơ quan có chỉ đạo ưu tiên lựa chọn thịt heo, góp phần đẩy mạnh tiêu
thụ heo thịt tại các chợ. Đây được xem là giải pháp thiết thực hỗ trợ giải cứu
người chăn nuôi trong thời điểm cấp bách như hiện nay.
Trở lại câu chuyện giảm đàn, ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước đây, ngành cũng đã khuyến
cáo người dân không nên tăng đàn. Nhưng trong thời điểm đó, người dân tự phát
tăng đàn ồ ạt, khó kiểm soát. Tới đây, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các
ngành, các cấp và MTTQ để tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn giảm đàn; tổ
chức liên kết doanh nghiệp; liên kết hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Ông Lâm
chỉ ra hạn chế: “Thời gian qua, công tác phối hợp của các cơ quan, các ngành,
các cấp còn lỏng lẻo. Về lâu dài, trách nhiệm của ngành nông nghiệp là quy hoạch
lại ngành chăn nuôi, cơ cấu vùng nuôi. Hiện, sở đã chỉ đạo rà soát tình hình
chăn nuôi cụ thể. Mặt khác, sở đề xuất UBND tỉnh thu hút doanh nghiệp đầu tư
nhà máy chế biến các sản phẩm từ heo trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh:
“Quan điểm chung của tỉnh là phải giải quyết ngay vấn đề tại chỗ của Bến Tre,
nhằm giải cứu cho người nuôi heo trong tỉnh. Chính quyền các cấp, cơ quan chức
năng chia sẻ gì với dân”. Với nhóm giải pháp tình thế, ông Lập yêu cầu Ngân
hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện
cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, đồng hành chia sẻ khó khăn cùng người
nuôi heo. Các ngành, các cấp, MTTQ, đoàn thể tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người
dân bằng cách kích cầu tiêu dùng thịt heo tại địa phương. Khuyến khích mọi người
dân, các thành phần ưu tiên dùng thịt heo trong các bữa ăn gia đình, bếp ăn tập
thể, đám tiệc.
Đeo vòng cho heo vào thị trường TP. Hồ Chí Minh là một giải
pháp điển hình về đầu ra cho con heo Bến Tre. Hướng bền vững là phải quy hoạch
giảm đàn. Hộ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên chuyển nghề và chỉ khuyến khích
chăn nuôi quy mô trang trại gắn với quy trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn
của doanh nghiệp liên kết. Đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp có năng lực tổ chức
thu mua, giết mổ, phân phối, chế biến.