Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam

15/04/2025 - 11:27

BDK.VN - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26-4 – 30-4-1975) - chiến dịch quyết chiến chiến lược - đòn tiến công chiến lược thứ ba của quân và dân ta trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Sau một tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, địch bị mất toàn bộ Quân khu 1, Quân khu 2, một nửa sinh lực của Quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, rơi vào tình thế đi đến tan rã hầu như không cứu vãn nổi. Chúng ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể làm điều kiện mặc cả đối với ta. Sau khi lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa nhưng đều bị ta đập tan; quân đội ngụy Sài Gòn tập trung xây dựng tuyến phòng thủ cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định. 

Từ nhận định dù Mỹ có chi viện cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của quân ngụy, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 14-4-1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 22-4-1975, trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, nhất là quân địch có biểu hiện tan rã, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ ngụy Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ rõ: “Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”.

Theo kế hoạch, đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Từ 5 hướng, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đánh vào khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch. Từ ngày 26 đến ngày 28-4-1975, các cánh quân của ta liên tục đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở Long Thành, Biên Hòa, Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa huyện Long Điền, Đất Đỏ…; đặc công đã chiếm một số cầu, thực hiện tốt ngăn chặn chủ lực của địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm, triệt để bao vây cô lập Sài Gòn.

Chiều ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng sử dụng 5 chiếc máy bay chiến đấu A-37, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ nhiều máy bay. Trận đánh diễn ra bất ngờ, làm tê liệt cầu hàng không di tản của Mỹ, khiến cho tình hình ở Sài Gòn càng thêm rối loạn, tinh thần binh lính suy sụp, đẩy nhanh quá trình tan rã của chế độ ngụy Sài Gòn.

Sáng ngày 29-4-1975, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích đồng loạt trên toàn mặt trận, tiếp tục ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng chủ lực chủ yếu của địch ở vòng ngoài, đồng thời phát triển thọc sâu, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm những địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị tiến công vào nội đô Sài Gòn. Nắm chắc tình hình quân địch đang hoảng loạn và tan rã, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chớp thời cơ, tiếp tục phát triển tiến công vào nội đô theo đúng kế hoạch, tập trung lực lượng đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn.

Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Sáng ngày 30-4-1975, toàn bộ các cánh quân lớn của ta từ 4 hướng đồng loạt tổng công kích vào nội đô Sài Gòn. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

***

Cùng với giải phóng trên đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14-4-1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29-4-1975. Từ ngày 30-4 đến đầu tháng 5-1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn hiện đại của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam và quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã ra sức xây dựng hơn 20 năm, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 H. Anh (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN