Sáng ngày 10-2-1946, cánh quân Pháp từ Thạnh Phú đánh lên ngã tư Giồng Luông (xã Đại Điền) đánh vỡ tuyến phòng thủ, cảm tử quân hy sinh 2. Chúng đánh thẳng lên chiếm chợ Cầu Mống (xã Hương Mỹ) lúc 10 giờ. Tuyến phòng thủ đầu ấp Bình Tây bị đánh thủng, cảm tử quân hy sinh 6, bị thương 1. Quân Pháp đóng đồn tại chành lúa “Tiệm Mới” chú Thinh. Chành lúa rất kiên cố, tường hai mươi , có sức chứa trên năm mươi ngàn giạ lúa. Chành lúa chú Thinh lớn nhất, kiên cố nhất ở khu vực xã Hương Mỹ, nằm trên trục giao thông thủy bộ, rất thuận lợi, dễ kiểm tra, kiểm soát. Trước mặt chành lúa là dốc Cầu Mống cao nhất ở cù lao Minh, nó là bức tường thành kiên cố che chắn trước mặt đồn. Trước cửa đồn, chúng chất lúa bao, mỗi bao ba giạ và tưới nước cho lúa ra mộng kết tụ nhau thành khối để chống đạn. Chúng dùng cây dừa cưa thành từng đoạn, xóc từng ô, đổ đất vào để che chắn trước mặt đồn và xung quanh. Chành lúa có lầu bằng gỗ, cao trên mặt đầu đứng ở vị trí này quan sát chung quanh rất rõ, chúng vựa lúa ở phía sau, chất lúa bao lên cao ngang tầm lầu phía trước, có cửa hông phía sau để vận chuyển lúa vào – ra. Đây là điểm yếu dễ tiếp cận đột phá, bởi nó nằm sát mé sông.
Quân Pháp đánh chiếm và xây đồn xong giao cho quân ngụy. Trưởng đồn là tên Đội Định và ba chục tên lính Partisan trấn giữ. Đồn Cầu Mống là trung tâm chỉ huy trong khu vực, hằng ngày ruồng bố các xã: Hương Mỹ, Cẩm Sơn, Minh Đức, Tân Trung, kiểm soát trục giao thông thủy - bộ chính của cù lao Minh. Ngày ngày chúng đi ruồng bố, bắt bớ dân chúng đem về đồn đánh đập, tra tấn dã man rồi treo cổ, bắn chết ở đầu Cầu Mống để uy hiếp tinh thần đồng bào. Có lúc chúng treo cổ và bắn chết liên tục hàng chục người như: cha đồng chí Đoàn Tứ (Hương Mỹ), cha và anh đồng chí bác sĩ Lâm Thiên Quới (Minh Đức) bắn chết vùi xác ở khu đất mã lạn cạnh chùa Phật, không cho lấy xác.
Căm thù tên Đội Định tàn ác, đồng chí Nguyễn Hữu Cầu (tức Chín Ngọ), ủy viên quân sự xã tổ chức anh Năm Khá và anh Ba Ngài cải trang khách hàng đi ăn sáng ở tiệm cháo chú Di. Cơ hội đến, Đội Định để khẩu tiểu liên trên bàn ăn cho vợ, hắn đi đến chỗ chú Di nấu ăn lấy thêm thức ăn. Nhanh như chớp, Năm Khá bước ngang chộp khẩu tiểu liên trên bàn, chạy về ấp Thạnh Đông. Tên The la ới ới! Tên lính “Thổ Gù” chạy theo bắn bổng dọa (vì lúc này trên lộ đá rất đông người đi chợ). Anh Ba Ngài cầm cục đá xanh chọi lại và hô to: “Lựu đạn”. Tên lính “Thổ Gù” hoảng hốt nằm sát đất tránh lựu đạn. Anh Năm Khá và anh Ba Ngài chạy thoát an toàn, lúc đó là 7 giờ 30 sáng ngày 30-3-1946.
Mất khẩu tiểu liên, tên Đội Định rất cay cú, hung hăng, tàn ác hơn để trả thù. “Nợ máu phải trả bằng máu”, chỉ sau 6 tháng bị chiếm đóng, kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945. Ngày 20-8-1946 Đại đội Đoàn Trần Nghiệp do anh Phan Văn Phải chỉ huy (tiền thân của chi đội 19) từ cù lao Bảo sang cù lao Minh phối hợp với lực lượng vũ trang khu vực, Mặt trận Việt Minh cùng nhân dân Hương Mỹ bao vây đánh đồn Cầu Mống.
Theo kế hoạch, bộ độ anh Măng (Romand người Đức – chiến sĩ quốc tế) phục kích ở ấp Bình Đông chặn đánh bọn lính đi ruồng về, không cho chúng tập trung về đồn.
Bộ đội anh Phan Văn Phải đánh đồn. Nhưng bộ đội anh Măng không diệt gọn bọn đi ruồng ở ấp Bình Đông.
Bộ đội anh Phan Văn Phải cùng với lực lượng vũ trang, bán vũ trang và nhân dân trong xã, từ ấp Thạnh Đông kéo quân ra bao vây đồn Cầu Mống.
Quân ta đánh quyết liệt từ chiều đến tối nhưng không hạ được đồn. Tên Đội Định cố thủ trên lầu, ném lựu đạn xuống từng chập để chặn đứng quân ta tiến công. Anh Dễ - tiểu đội trưởng cận vệ anh Phải, phát hiện lựu đạn trên lầu ném xuống, anh la lên cho anh Phải nằm xuống. Anh Dễ chụp lựu đạn ném ra sông. Lần thứ hai, anh Dễ nằm ập lên như “Lê Lai cứu chúa”. Lần thứ ba, vì mải miết tấn công bắn liên tục vào các mục tiêu, lựu đạn nổ ngay chân anh, lúc tám giờ tối.
Anh Phan Văn Phải - người chỉ huy kiên cường, dũng cảm đã hy sinh cùng anh Dễ, anh Tròn và anh Nhất y tá.
Trước tình hình hy sinh và giằng co chưa dứt điểm, anh Trần Văn Lắm và anh Phan Văn Kích (em ruột anh Phải) họp khẩn cấp số cán bộ chủ chốt bàn mưu tính kế diệt đồn bằng “hỏa công trận”. Thế là một số cán bộ chạy về bốn ấp: Thạnh Đông, Thạnh Tây, Bình Đông, Bình Tây vận động nhân dân đội rơm, lá dừa, lá lợp nhà và mọi thứ “bổi” để đốt đồn. Với khí thế hừng hực căm thù, mọi người lăn xả vào lửa đạn để đốt đồn. Tức khắc, dãy phố lá (thợ bạc Hộ) sát chân đồn phía sau phát hỏa. Lửa cháy đỏ trời, khói bay mù mịt, tre nổ liên hồi như đạn nổ. Tiếng la thét: “Đốt đồn, đốt đồn” vang trời không dứt… Phía bên kia sông, nhân dân chở rơm, lá dừa, lá lợp nhà, “bổi” đủ loại áp sát chân đồn, dùng chày giã gạo, chày vồ, xà beng, búa tạ, và mọi thứ dụng cụ tự có đập liên hồi, bể bốn lỗ tường khu vực chứa lúa, dồn rơm, lá dừa, lá lợp nhà và mọi thứ “bổi”, chất cháy các loại, kể cả dầu lửa vào những lỗ tường rồi phát hỏa và biến trên năm mươi ngàn giạ lúa thành chất đốt cứ cháy mãi.
Phía trước cửa đồn, những đội rơm to tướng được lăn vào trước làm lá chắn cho đội quân “hỏa công” xung phong đem các loại chất đốt vào phát hỏa. Người đội rơm xung phong đi đầu là đ/c Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Đoàn Hạnh Huỳnh xã Hương Mỹ đã anh dũng hy sinh.
Kết quả, toàn bộ 1 trung đội Partisan do Đội Định - tay sai giặc Pháp chỉ huy bị tiêu diệt. Sau đó xã Hương Mỹ và cả khu vực Nam Mỏ Cày, Thạnh Phú được giải phóng cho đến năm 1951.
Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại chùa Phật Thới Lai xã Hương Mỹ để tưởng nhớ và tiếc thương những anh hùng liệt sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Thu đã sáng tác bài “Chiến tử ca” rất bi hùng, rất xúc động để ca ngợi công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ.
Kỷ niệm 63 năm ngày chiến thắng đồn Cầu Mống (8-1946 – 8-2009) nhân dân xã Hương Mỹ mong muốn xây dựng tượng đài chiến thắng đồn Cầu Mống để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.