Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo về bô-xít

25/05/2009 - 05:50

“Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô-xít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bô-xít đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỉ tấn, đứng thứ ba thế giới” - đây là một trong những nội dung của báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội hôm 23/5 về việc triển khai các dự án bô-xít.

Trả lời câu hỏi vì sao quy hoạch bô-xít không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương, báo cáo này nêu: Theo quy định tại nghị quyết số 66 của Quốc hội, chỉ có các dự án, công trình quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quy hoạch bô-xít cũng như nhiều quy hoạch khác (điện, dầu khí, thép...) không phải là dự án đầu tư, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của nghị quyết 66.

Có hiệu quả

Đối với đề nghị xem xét chuyển địa điểm nhà máy alumin tại khu vực Tây Nguyên đến khu vực ven biển, theo báo cáo của Chính phủ, phương án đó đã được tính đến, song xét hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế - xã hội thì đặt nhà máy tại Tây Nguyên hợp lý hơn: Dù có hiệu quả kinh tế thấp hơn so với phương án bố trí tại khu vực ven biển (vận chuyển tinh quặng bằng đường ống), nhưng đảm bảo yếu tố tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây nguyên.

Chính phủ cho rằng khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định, tuy nhiên kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy hoàn toàn có thể kiểm soát những tác động môi trường.

Xung quanh vấn đề hiệu quả kinh tế, báo cáo cho biết theo Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV), hiệu quả kinh tế của hai dự án đã được tính toán. Theo đó, thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm. Những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch), tuy nhiên đánh giá cả đời dự án là có hiệu quả kinh tế.

Báo cáo nhận định: Giá nhôm trên thị trường hiện nay đang ở mức giá sàn rất thấp (1.426 USD/tấn), giảm khoảng 70% so với giá nhôm thời kỳ 2006-2007. Giá alumin cũng tương ứng giảm theo. Tuy nhiên, các dự án alumin Tây Nguyên đều có tuổi đời trên 50 năm, vì vậy hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho “cả đời” dự án là 362 USD/tấn thì phù hợp.

Khi vận hành, sẽ toàn lao động VN

Về các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không phù hợp, Chính phủ khẳng định: Công nghệ Trung Quốc đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở VN.

Chính phủ dẫn báo cáo của TKV cho biết sự tham gia của lao động nước ngoài và VN đối với dự án Tân Rai như sau: Trong giai đoạn xây dựng dự án, phần xây dựng mỏ bô-xít, khai thác quặng bô-xít và phần xây dựng nhà máy tuyển quặng bô-xít sẽ sử dụng toàn bộ lao động VN. Phần xây dựng nhà máy luyện alumin (gói thầu EPV) chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thực hiện, một phần do lao động VN thực hiện.

Số lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5/2009) khoảng 600 người, lao động VN khoảng 350 người. Sang giai đoạn dự án đi vào vận hành, toàn bộ lao động là người VN. Trong trường hợp cần thiết, thời gian đầu vận hành của nhà máy alumin có thể thuê thêm chuyên gia nước ngoài hướng dẫn (người Trung Quốc hoặc nước khác).

Tăng cường bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả phân tích bùn đỏ của bô-xít Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất phóng xạ. Tuy nhiên, trong phần dung dịch bùn đỏ còn lượng kiềm dư nhất định. Lượng kiềm này có thể thẩm thấu, gây tác hại cho đất xung quanh và làm ô nhiễm nguồn nước, vì vậy phải xử lý bùn đỏ theo tiêu chuẩn xử lý chất thải nguy hiểm.

Phương pháp thải ướt bùn đỏ dự kiến áp dụng cho dự án alumin Tân Rai và Nhân Cơ tuy đã được áp dụng thành công ở một số nước (Úc, Trung Quốc) nhưng vẫn gây sự lo ngại của không ít người. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập các tổ giám sát công tác môi trường ngay từ khi xây dựng Nhà máy alumin Tân Rai (và Nhân Cơ).

Chính phủ cho rằng khai thác và chế biến bô-xít Tây Nguyên không thể tránh khỏi gây ra những tác động môi trường nhất định, tuy nhiên kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy những tác động môi trường hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế tới mức an toàn cần thiết. Vấn đề quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát các giải pháp bảo vệ môi trường ngay trong quá trình xây dựng cũng như suốt quá trình vận hành các dự án alumin.

Nguồn Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN