Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 . Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự Lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân cồng chiêng, bà con các dân tộc Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, lễ hội hôm nay là sự tôn vinh các giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại.
“Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời”. Nhắc lại một trong những đoạn mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió, với những cánh rừng già xanh thẫm, nơi những con người mộc mạc, chất phác cùng nhau sinh sống tạo nên một cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo. Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương, nơi đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau.
Tiếng chiêng huyền ảo trong sử thi Đam San biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Sự phong phú, độc đáo, phóng khoáng và đa dạng đã khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam...
“Nhớ lại 13 năm trước, UNESCO đã trao cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu cao quý là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Chúng ta đã tổ chức đón nhận danh hiệu ấy tại TP. Pleiku xinh đẹp và đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO về thực sự giữ vững danh hiệu đó”, Thủ tướng nói. Cùng với thời gian, tiếng cồng tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và vượt ra khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung.
Thủ tướng cho biết, vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. “Chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống”, Thủ tướng nói.
Nếu như mọi thực thể sống đều cần tới một hệ sinh thái nhất định, thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. Cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên…
“Tôi tin rằng không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo. Tôi đề nghị Đảng bộ, Chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung gìn giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông – nhà dài và các nghi lễ tín ngưỡng...”, Thủ tướng nói.
Trong không khí lễ hội hôm nay, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn về một Tây Nguyên mới: Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.
Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất sử thi; phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê-đê, Gia Rai, M’nông, Ba-na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết chặt chẽ về chiến lược, quy hoạch và ý chí. Tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, mọi người dân đều được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ sinh thái du lịch. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.
Thủ tướng tin tưởng, du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây nguyên.
Nguồn: Chinhphu.vn